Đặc sản tết bung hàng

Nếu như những năm trước, các món đặc sản quê nhà chỉ được tiêu thụ ở nội tỉnh, thì nay nhiều mặt hàng khắp các vùng miền đã sẵn sàng hội tụ ở TPHCM, chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Kẹo mứt tết bán tại chợ An Đông Ảnh: CAO THĂNG
Kẹo mứt tết bán tại chợ An Đông Ảnh: CAO THĂNG
 Hiện nay, không khí buôn bán, đặt hàng, tư vấn cho khách mua khá sôi động, tấp nập. 

Ưu tiên hàng sạch, cam kết chất lượng

Những món đặc sản ngon, an toàn, độc đáo, đảm bảo chất lượng… luôn là tiêu chí hàng đầu cho mùa sum họp gia đình vào dịp xuân mới. Người tiêu dùng ngày càng hứng thú, quan tâm tới các loại hàng đặc sản khó tìm, hiếm gặp. Một số khách hàng nhìn nhận việc thay đổi món ăn trong mâm cơm ngày tết giúp các thành viên trong gia đình thích thú, hào hứng hơn. Chị Lê Loan, khách hàng ngụ đường Trương Định (quận 3), chia sẻ mặc dù là người miền Nam, nhưng gia đình chị rất thích thưởng thức hương vị tết cổ truyền được cấu thành bởi nhiều món đặc sản miền Bắc. “Thịt trâu gác bếp, gà Tây Bắc, miến dong Bắc Kạn… vẫn được mình đặt hàng trực tiếp từ người quen ở các tỉnh phía Bắc gửi theo đường hàng không về TPHCM. Phí vận chuyển khiến giá hơi cao nhưng hàng ngon, đảm bảo chất lượng, giúp mình yên tâm sử dụng”, chị Loan tâm sự. 

Đến thời điểm này, món cá kho làng Vũ Đại (của Cơ sở Trần Luận) đã được vận chuyển vào TPHCM theo đường hàng không, với khoảng 2.000 niêu, phục vụ một số khách hàng đặt sớm. Giá bán niêu cá lớn loại 4,5kg ở mức 1,3 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Mận, ngụ đường Vĩnh Viễn (quận 10), những năm trước đây, để mua được hàng đặc sản cách xa nơi mình ở hàng ngàn cây số thực sự không dễ dàng. Nhưng nay, nhờ các điểm kinh doanh, gồm trực tiếp lẫn trực tuyến, đã hỗ trợ khách hàng dễ mua bán hơn. Thêm nữa, các mặt hàng tết hiện nay đều hướng theo chuẩn ẩm thực có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, nên đáp ứng thị hiếu người mua. Điển hình như các loại bánh chưng, bánh tét vị quế, hoa hồi; gạo dược liệu; heo nuôi thuốc bắc… 

Xuất phát từ nỗi lo sản phẩm tẩm ướp hóa chất độc hại, sản phẩm không rõ nguồn gốc nên nhiều cửa hàng chuyên doanh đặc sản đều cam kết đảm bảo chất lượng, xuất xứ nguồn gốc, để khách yên tâm. Chị Ngọc Gia (ngụ quận Bình Thạnh, chuyên phân phối, giao hàng đặc sản miền Trung, miền Bắc tận nơi) cho biết, mãi lực mùa này đang tăng dần. Vào thời điểm cách tết khoảng 2 tuần sẽ tăng mạnh nhất. “Chúng tôi thường phải tự sàng lọc rất gắt gao các mặt hàng này bằng nhiều kiểu, vì chính gia đình tôi cũng sử dụng sản phẩm. Mình cẩn thận là để an toàn cho người thân cũng như khách hàng. Chẳng hạn, đôi khi tôi sẽ có chuyến thăm quê bất ngờ để ghé những nơi đặt hàng, hoặc nhờ người thân ở quê đến giám sát. Do bán cho người quen nên nếu sản phẩm chất lượng không như ý, tôi sẵn sàng đền hàng hoặc trả tiền cho khách ”, chị Ngọc Gia nói. 

Đặc sản khắp nơi “đổ bộ” về TPHCM 

Mặc dù hơn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018, nhưng nhiều đơn hàng đặc sản (độc đáo, lạ mắt, giá trị) đã được khách hàng, công ty đặt mua để làm làm quà biếu. Chủ một cửa hàng tại đường Kỳ Đồng (quận 3) thông tin, không chỉ những món ngon, lạ truyền thống của Việt Nam được ưa chuộng, mà các sản vật của Thái Lan, Nga, Lào, Campuchia… cũng được nhiều người chọn mua làm quà. Ví dụ, cá Biển Hồ, khô nhái, khô rắn, bia Angkor của Campuchia; cá khô Nga, cánh và đùi ngỗng… Tính đến thời điểm hiện tại, khách đặt mua tăng dần, cao hơn khoảng 15% - 25% so với ngày bình thường. Dự tính, đến thời điểm cận tết, lượng hàng sẽ đặt nhiều hơn, dồn dập hơn. 

Đến nay, một số chợ truyền thống, cửa hàng đã rục rịch bung hàng tết với khuyến mãi giảm giá để kích thích sức mua. Tại cửa hàng đặc sản 3 miền trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cửa hàng chuyên đặc sản truyền thống trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh)… bày bán khá phong phú nhiều món ngon, lạ. Ví dụ: Tung lò mò (lạp xưởng bò của người Chăm) giá 280.000 đồng/kg; lợn gác bếp, trâu gác bếp (của bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc) có giá lần lượt từ 600.000 đồng tới 1 triệu đồng/kg; nấm hương rừng Sapa giá khoảng 500.000 đồng/kg; trà Shan tuyết 200 năm tuổi có giá 1,2 triệu đồng/100g… Song song đó, các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM (Bến Thành, An Đông…) cũng tấp nập đón khách trong nước và kiều bào, khách quốc tế tấp nập đến mua sắm, tham quan. Tuy nhiên, theo Ban quản lý chợ Bến Thành, nhìn chung sức mua năm nay chưa tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. 

Có thể nói, năm nay hàng đặc sản tết phong phú, đa dạng từ khắp các vùng miền của Việt Nam cũng như một số nước “đổ bộ” về TPHCM, đã phần nào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vào mùa Tết Nguyên đán. 
Dự báo lượng hoa tết giảm, giá tăng nhẹ

Những ngày này, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại các nhà vườn trồng cây kiểng trên địa bàn TPHCM và các cửa hàng kinh doanh hoa, sản lượng hoa phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất 2018 khó đạt bằng năm ngoái và vì thế giá có thể tăng nhẹ.

Theo Hợp tác xã Hoa lan Huyền Thoại (huyện Củ Chi), năm nay thời tiết lạnh kèm theo mưa kéo dài đã khiến cho hoa nở không nhiều so với năm ngoái. Điều này cũng xảy ra với nhiều hộ trồng hoa lan tại phường Thới An (quận 12). Nhiều hộ trồng mai ở Thủ Đức đang cố dưỡng mai để cho ra hoa kịp mùa tết, nhưng nếu thời tiết không thuận, trời vẫn mưa thì hoa sẽ không nở nhiều. 
 
Trước bối cảnh nguồn cung hoa bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí hậu, nhiều cửa hàng kinh doanh cây kiểng, hoa tết cho hay giá có thể sẽ tăng từ 10% - 20% so với năm ngoái. Hội Nông dân TPHCM cũng nhận định, sản lượng hoa giảm nên dự báo giá hoa sẽ tăng khoảng 10% - 15%.  Tuy nhiên, giá cả thị trường vẫn sẽ có những bất ngờ, bởi các tỉnh miền Tây Nam bộ thường cung ứng khoảng 60% sản lượng hoa cho thị trường tết TPHCM với giá theo hợp đồng đã ký sẵn từ trước.

Đánh giá về thị trường hoa Tết Mậu Tuất, Sở NN-PTNT TPHCM cho rằng sản lượng sẽ đủ phục vụ người dân và giá có thể tăng nhẹ. Dự kiến, sẽ có khoảng 612.000 chậu mai, 4,6 triệu chậu lan, 5,7 triệu nhánh lan cắt cành, 5,2 triệu chậu hoa nền và 1,5 triệu chậu cây kiểng - bonsai phục vụ người dân TPHCM vui tết.

Tin cùng chuyên mục