Đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ

Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ phân bố ngoài tự nhiên ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Là loài cực kỳ nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN, Sách Đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm...

Ngày 17-11, theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) trong năm 2022 đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể phân bố chủ yếu trong các tiểu khu 452, 455, 457, 459, 462 và 463. Ước tính nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn Chà vá chân xám sinh sống ở đây.

Đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ ảnh 1 Chà vá chân xám là loài quý hiếm, cực kỳ nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN 

Khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), do đó Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung. Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” do Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, khu vực đề xuất thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Tơ nằm trên địa bàn 4 xã là Ba Vì, Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế của huyện Ba Tơ với tổng diện tích đề xuất là 20.139,55ha bao gồm 9.253ha vùng lõi, 10.604,71ha khu vực phục hồi sinh thái, 281,84ha khu vực hành chính - dịch vụ, và 15.583,45ha vùng đệm. Do đó, quy hoạch này cần sớm được xem xét và triển khai thực hiện.

Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ phân bố ngoài tự nhiên ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên. Là loài cực kỳ nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN, Sách Đỏ Việt Nam và thuộc nhóm IB về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Là loài được ưu tiên bảo tồn theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Hiện nay, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, trên toàn quốc chỉ còn khoảng hơn 2.000 cá thể. Một số quần thể quan trọng và đang được quan tâm bảo tồn như: Quần thể khoảng 500 cá thể tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum do Tổ chức FFI - Chương trình tại Việt Nam và Trung tâm GreenViet thực hiện; Quần thể khoảng 1.557 cá thể tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai do Hội động vật học FrankFrut (FZS) thực hiện; Quần thể khoảng 70 cá thể tại Khu vực xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam do Trung tâm GreenViet thực hiện các hoạt động bảo tồn.

Đây là những quần thể đang được các dự án hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm đầu tư bảo tồn. Tuy nhiên, còn rất nhiều quần thể quan trọng khác cũng cần được quan tâm và bảo tồn như quần thể Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Tin cùng chuyên mục