Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5

Tối 10-9, tại cuộc họp mở rộng phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống cơn bão số 5 (Conson), lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu địa phương lên phương án phòng, chống bão ở mức cao nhất, chú trọng giãn cách trong khi di dời, ở điểm trú ẩn và xét nghiệm SAR-CoV-2 ở khu cách ly tập trung. 
Lực lượng chức năng cắt tỉa cây xanh để phòng, chống bão lụt
Lực lượng chức năng cắt tỉa cây xanh để phòng, chống bão lụt

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo, phải xây dựng phương án bão sẽ đổ bộ ngay địa phương, từ đó có sự chuẩn bị ở mức cao nhất để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, lần này, TP Đà Nẵng vừa chống bão vừa chống dịch, chưa có tiền lệ nên địa phương chưa có kinh nghiệm, đặc biệt việc tổ chức di dân trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông Quảng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương, nhất là vùng nguy cơ cao tập trung phương án chống ngập úng, sạt lở.  

“Trong TP Đà Nẵng, lượng mưa khoảng 300mm nguy cơ ngập úng là rất cao. Mặc dù lượng nước trong các hồ chứa thấp nhưng mưa từ thượng nguồn đổ về nên việc ngập úng sâu tất nhiên sẽ xảy ra. Những cơn bão vừa qua, huyện Hòa Vang đều bị ngập úng, tại đây có nhiều công trình đang dở dang”, ông Quảng cho biết.

Vì thế, công ty điện lực duy trì không để mất điện, có phương án phát điện dự phòng tại các trạm bơm để ứng cứu kịp thời. Công tác phòng, chống bão tại các công trình trọng điểm, địa điểm xung yếu cần được chuẩn bị kỹ ưỡng, hạn chế vấn đề phát sinh.  

Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5 ảnh 1 Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý ngày 10-9
Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5 ảnh 2 Nỗ lực hoàn thiện hạng mục trong ngày đầu chuẩn bị phòng chống bão

Tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, các địa phương và đơn vị liên quan lên phương án cụ thể về di dời dân, tích trữ nhu yếu phẩm nếu bão kéo dài. Xây dựng kịch bản chi tiết đảm bảo thực hiện giãn cách trong quá trình di dời và ở các điểm trú ẩn. Nguyên tắc mỗi hộ gia đình được bố trí 1 phòng.

Đặc biệt, mở chốt Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) để đưa thuyền vào nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng thực hiện kiểm soát, người ra vào phải xét nghiệm SAR-CoV-2. Trước mắt, yêu cầu người dân ở trên tàu. Khi bão vào, Quận Sơn Trà có điểm bố trí để ngư dân lên bờ cách ly tập trung. 

“Dù lo ngại về dịch, TP Đà Nẵng vẫn đặt sự an toàn người dân lên hàng đầu. Chúng ta phải xử lý việc này như khi thực hiện việc cách ly y tế tập trung, phải đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy khi tàu vào, tránh va đập khi cơn bão vào”, ông Quảng đề nghị.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP Đà Nẵng đặt tính mạng và tài sản của người dân trên hết. Vì vậy, địa phương chủ động triển khai, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có, nhất là thông tin kịp thời đến người dân về tình hình lụt bão.

Ông Chinh chỉ đạo Sở Y tế Đà Nẵng và địa phương rà soát các khu phong tỏa, cách ly để đảm bảo điều kiện về phòng, chống lụt bão. Khi bão vào, các hoạt động cơ bản dừng lại nên cần đảm bảo ăn uống hàng ngày ở những khu vực này; duy trì việc xét nghiệm người dân sơ tán.

Các quận, huyện ven biển yêu cầu ngư dân đưa tàu đến nơi an toàn, tiến hành thu hoạch mùa vụ, chống sạt lở, kiểm tra hồ đập. Trong đó, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân trong vấn đề phòng, chống lụt bão như giấy đi đường, mở các cửa hàng điện nước, vật liệu xây dựng… Công an rà soát các điều kiện đảm bảo cho các chốt kiểm soát ra vào TP Đà Nẵng, đề xuất phương án cụ thể về an toàn giao thông, trật tự trước, trong và sau bão.

Tại cuộc họp, ông Lê Trung Chinh cho biết, qua kết quả xét nghiệm hộ gia đình, TP Đà Nẵng phát hiện một số trường hợp. Địa phương chủ động khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm tất cả các F1, F liên quan; nỗ lực giữ “vùng xanh”, tạo điều kiện cho người dân dần trở lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

“Tất cả các F1, không riêng khu cách ly nào thì phải xét nghiệm tại nhà, vì số F1 càng ngày càng giảm rồi. Bởi một người đi gặp một người vẫn dễ hơn một người đi gặp nhiều người. Những điều Bộ Y tế khắc phục về mặt chuyên môn thì phải tuân thủ còn vấn đề này không phải chuyên môn, chúng ta có điều kiện thì nên tiến hành”, ông Chinh nhấn mạnh

Ngày 10-9, Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị liên tục cập nhật thông tin về bão số 5, thường trực 100% quân số, duy trì 20 tàu, xuồng, ô tô sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ.

Tính đến 16 giờ ngày 10-9, đơn vị đã liên lạc được với 1.242 phương tiện, trong đó, 1.235 phương tiện đang nằm bờ, hiện còn 7 phương tiện/60 lao động đang còn ở trên biển (trong đó có 3 phương tiện vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm, 2 phương tiện ở vùng biển Phú Yên, 1 phương tiện đang ở vùng biển Tây Trường Sa).

Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5 ảnh 3 Lực lượng biên phòng kiểm tra neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang

Các đồn Biên phòng Hải Vân, Phú Lộc, Sơn Trà, Non Nước và Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã cử lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa.

Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5 ảnh 4 Chuẩn bị trang bị ứng cứu

Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang có 500 phương tiện trú bão số 5, trong đó có 180 tàu ngoại tỉnh. Từ tháng 8 đến nay, cảng cá đóng cửa vì trở thành ổ dịch Covid-19, áp dụng phong tỏa nên đa số ngư dân rời tàu. Đồn biên phòng Sơn Trà và Ban quản lý âu thuyền đã bố trí gần 50 người để giúp ngư dân.

Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm giãn cách khi sơ tán dân tránh bão số 5 ảnh 5 Lực lượng ứng trực hỗ trợ ngư dân

Đồng thời, cho phép ngư dân kiểm tra neo đậu, di chuyển phương tiện sắp xếp trong âu thuyền để đảm bảo an toàn. Đối với các tàu chở xăng dầu, thực hiện nhiệm vụ tiếp liệu được đưa ra khỏi âu thuyền, neo đậu vị trí hợp lý để đề phòng cháy nổ dây chuyền khi bão số 5 đổ bộ.

Tin cùng chuyên mục