Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường hướng tới đô thị sinh thái

Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 là “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại thông minh thành phố đáng sống....”. Trong đó, việc triển khai đề án “xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 là một trong những hướng đi chiến lược của thành phố cần được tính toán kỹ lưỡng.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TNMT bắt tay gặp mặt ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TNMT bắt tay gặp mặt ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Chiều 17-10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường

Theo ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để tiếp tục xây dựng Đà Nẵng đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị,  việc triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố theo hướng đô thị sinh thái nhằm đề ra lộ trình, quan điểm, mục tiêu, chính sách và các dự án, nhiệm vụ ưu tiên xây dựng thành phố trong giai đoạn đến.

Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường hướng tới đô thị sinh thái ảnh 1
Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (ngồi giữa) chủ trì hội thảo
Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 được xây dựng theo quan điểm bảo vệ môi trường hướng tới thành phố sinh thái, đạt mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép các chiến lược quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đa dạng hóa, đa phương hoá các quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm. Đặc biệt, đề án lấy phòng ngừa ô nhiễm là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện môi trường; hướng đến xây dựng nên kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, giai đoạn 2021-2030, đề án đã đề xuất 4 nhóm tiêu chí với 27 thông số cụ thể như nhóm về phòng ngừa ô nhiễm, nhóm về cải thiện môi trường, nhóm về bảo tồn thiên nhiên và nhóm về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức.

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Sau 10 năm thực hiện đề án, Đà Nẵng đã bước đầu đạt được những kết quả tốt với 7/10 tiêu chí đạt mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu quản lý đạt kết quả nổi bật như: Tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 99%, Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn là 83,5%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong không khí được xử lý đạt chuẩn là 100%... Vì vậy chúng ta cần Nghiên cứu, đảm bảo các quan điểm, mục tiêu, lộ trình của đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030 phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển chung của cả nước.

“Với vai trò là trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực, Đà Nẵng cần nhận thức được ý nghĩa của việc liên kết vùng là tất yếu nhằm khai thác được tối đa lợi thế của địa phương trong mối quan hệ gắn hết với các địa phương lân cận; phát triển kinh tế dựa trên sự bảo tồn, khai thác bền vững hệ sinh thái biển, chú trong kiểm soát ô nhiễm biển và đại dương, chất thải nhựa trên biển, chú trọng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp”, ông Nhân cho hay.

Người dân là nhân tố xây dựng các tiêu chí

Ông Naoki Mori, chuyên gia Nhật Bản đưa ra các đề xuất trong đó có đề xuất lồng ghép sự tham gia của cộng đồng vào kế hoạch quản lý môi trường. Ông đưa ra các chỉ số liên quan đến sự tham gia của cộng đồng với môi trường như số trường hợp giải quyết khiếu nại của người dân về ô nhiễm; số hỗ trợ của cộng đồng cho các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường; số người tham gia khảo sát môi trường sống tự nhiên trong cộng đồng; số lớp môi trường giao cho cộng đồng và trường học…

Theo ông Lê Phong Nguyên, giảng viên Khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bộ tiêu chí về các vấn đề môi trường cần phải thể hiện được sự liên hệ chặt chẽ với các vấn đề liên quan khác như các vấn đề về quy hoạch đô thị hay giao thông đô thị. Đề án về thành phố môi trường không nên xây dựng một cách độc lập mà cần thiết phải có sự liên hệ tối đa với các đề án về quy hoạch không gian đô thị, đề án về giao thông…

Xây dựng thành phố môi trường có sự liên hệ tối đa với các đề án về quy hoạch không gian đô thị, đề án về giao thông…
“Một đô thị bền vững bắt buộc phải có hệ môi trường tốt, tuy nhiên một đô thị có môi trường tốt chưa chắc là một đô thị bền vững vì nó còn rất nhiều yếu tố liên quan. Không có cách thức nào đánh giá tốt bằng sự đánh giá trực tiếp của người dân và khách du lịch, đặc biệt là với thành phố du lịch như thành phố Đà Nẵng”, ông Nguyên chia sẻ.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cũng nhìn nhận vai trò của người dân vô cùng quan trọng, theo ông, các tiêu chí đặt ra phải có sự tham gia quản lý, giám sát của người dân chứ không thể các nhà quản lý đề ra tiêu chí rồi tự đánh giá. Khi có sự tham gia của người dân, phát huy vai trò của cộng đồng mới phát huy được hiệu quả và có tính thiết thực.

Các tiêu chí về xây dựng thành phố môi trường đặt ra phải có sự tham gia quản lý, giám sát của người dân
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cần chú trọng tới giảm ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến giảm các phương tiện phát thải và gây tiếng ồn; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và đi xe đạp, đi bộ; thay thế các nhiên liệu gây ô nhiễm bằng nhiên liệu sinh học…

Tin cùng chuyên mục