Đà Nẵng: Xây dựng phương án để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp “tự lực tự cường” xây dựng phương án phục hồi sản xuất tương ứng phương án phòng chống dịch của TP Đà Nẵng.

Mong muốn TP Đà Nẵng giao cho doanh nghiệp tự chủ, xây dựng phương án di chuyển, phương án phòng chống dịch
Mong muốn TP Đà Nẵng giao cho doanh nghiệp tự chủ, xây dựng phương án di chuyển, phương án phòng chống dịch

Triển khai nhiều gói hỗ trợ

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp đến cuối năm 2021, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp của Trung ương và TP Đà Nẵng tập trung chủ yếu một số nội dung. Trong đó, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trả lương, vay vốn ngân hàng thương mại được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư…

Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao bằng khen cho các doanh nghiệp
Các sở, ngành sớm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, gồm: hỗ trợ 50% phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ 30% phần lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động trong thời gian 3 tháng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải logistic, công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được vay Quỹ Đầu tư Phát triển với lãi suất 0% trong thời gian 24 tháng.

Đồng thời, điều chỉnh giảm hệ số đối với các thửa đất có vị trí đặc biệt; cho giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của dịch Covid-19; cho phép gia hạn thuê đất thêm 1 năm đối với doanh nghiệp thuê đất theo hiện trạng sử dụng….; kiến nghị với Trung ương về thuế và tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội và giá điện…

Bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng nhìn nhận, trong vấn đề xin giấy ra vào thành phố việc kết nối giữa các bộ phận chưa chặt chẽ dẫn tới các đơn vị khó khăn khi cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp. Sở sẽ tham mưu TP Đà Nẵng điều chỉnh lại quy định ra vào, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi khi áp dụng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị thường xuyên đôn đốc, giám sát, sớm thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương và TP Đà Nẵng. Riêng Đà Nẵng đã ban hành 11 gói chính sách với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng trong thời gian qua.

Cam kết “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo TP Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. TP Đà Nẵng đang hết sức cố gắng tìm nguồn vaccine để đảm bảo mức độ bao phủ, trong đó quan tâm ưu tiên vaccine cho người lao động ở ngành nghề phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Thành ủy Đà Nẵng kết luận hội nghị

“TP Đà Nẵng là địa phương có lượng tiêm vaccine cho người lao động chiếm số lượng đông đảo, trong đó, các khu công nghiệp hiện đạt tỷ lệ trên 80%. Hiện chỉ còn khoảng 10.000 người chưa tiêm nhưng từ nay đến giữa tháng 10 là tiêm đủ mũi 1 cho người lao động ở các khu công nghiệp, tiếp đó là kế hoạch tiêm phủ vaccine mũi thứ 2”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Về các phương án chống dịch của Đà Nẵng, ông Quảng khẳng định TP Đà Nẵng hiện đảm bảo năng lực điều trị, không để F0 điều trị tại nhà, hạn chế thấp nhất tử vong với tỷ lệ dưới 1%. Xây dựng đội phản ứng nhanh khi có ca F0 trong cơ sở, doanh nghiệp. Duy trì xét nghiệm đúng với thực tế, TP Đà Nẵng hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm theo kế hoạch xét nghiệm.

Đề nghị tháo gỡ khó khăn khi thực hiện thủ tục ra vào TP Đà Nẵng

“Tiếp tục phát huy đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, tương ứng phương án phòng chống dịch của TP Đà Nẵng. Không ai cứu mình bằng chính doanh nghiệp. Các biện pháp chỉ là công cụ hỗ trợ. Quan trọng nhất là tạo cho người lao động thói quen chống dịch, nếu không thì có bao nhiêu phương án, chủ trương đưa ra cũng không có ý nghĩa”, ông Quảng nhấn mạnh.

Dự kiến, từ ngày mai 25-9, TP Đà Nẵng sẽ sớm mở lại các hoạt động theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, các hoạt động được mở lại sẽ kèm các điều kiện, phải có sự chấp hành tương tác của người dân, doanh nghiệp. TP Đà Nẵng sẽ tập huấn cho doanh nghiệp các biện pháp phòng chống, kiểm soát công nhân với mã QR, chấm dứt quản lý thủ công như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục