Đà Nẵng xây dựng doanh nghiệp xanh, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới

Để giữ vùng xanh tại cơ sở sản xuất không trở lại vùng đỏ, vùng vàng, ngoài chủ trương phòng chống dịch của chính quyền địa phương, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm mỗi doanh nghiệp, người lao động.

Lắp đặt vách ngăn là một trong những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 ở những bếp ăn tập thể
Lắp đặt vách ngăn là một trong những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 ở những bếp ăn tập thể

Những ngày qua, TP Đà Nẵng thực hiện nới lỏng nhiều hoạt động ở vùng xanh và vùng vàng. Các cơ sở sản xuất tăng tỷ lệ người lao động từ 50% lên 70%. Dù không khí lao động tại nhiều phân xưởng, nhà máy nhộn nhịp trở lại, các cơ sở vẫn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp kiểm soát Covid-19.

Quay lại làm việc, chị Nguyễn Vân Thanh (22 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) cảm thấy như tìm lại nguồn sống. Dù không thực hiện "3 tại chỗ", ngày đầu đi làm, chị cùng đồng nghiệp ký cam kết đảm bảo "1 cung đường, 2 địa điểm".

Công nhân thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến"

“Nới lỏng một phạm vi nhất định, được đi làm trở lại, đối với người lao động là một niềm hạnh phúc. Bởi thời gian trước, quanh quẩn ở phòng trọ, ai cảm thấy bí bách, vừa lo lắng không có tiền chi tiêu, vừa nhớ công việc, nhớ đồng nghiệp”, chị Thanh chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Đà Nẵng (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, chi phí vận hành giữa thời điểm dịch bệnh đã đội lên hàng chục tỷ đồng song chẳng còn lựa chọn nào, gồng mình vừa chống dịch vừa sản xuất. Giữ vùng xanh, doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho lao động bởi nếu đứt gãy chuỗi cung ứng hay hủy đơn hàng, khách hàng quốc tế sẽ tìm đến đối tác khác. Doanh nghiệp Việt vì thế mà mất uy tín cũng như lợi thế bấy lâu nay.

Đà Nẵng xây dựng doanh nghiệp xanh, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới ảnh 2 Xét nghiệm SARS-CoV-2 khi trước vào ca trực

Đến nay, dịch bệnh tại Đà Nẵng cơ bản kiểm soát, dù không còn thực hiện "3 tại chỗ" như trước, công ty duy trì nhiều biện pháp phòng dịch thiết thực. Cụ thể, khách hàng đến làm việc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh tại chỗ. Phương tiện vận tải được khử khuẩn trước khi vào công ty, thường xuyên vệ sinh công xưởng, nhà máy.

Hiện công ty đang thực hiện xét nghiệm 5 ngày/1 lần cho 50% cán bộ, công nhân viên mỗi khu vực. Các công nhân được bố trí làm việc theo từng nhóm cố định, có phòng thay đồ riêng, ngồi ăn theo số ghế cố định, bàn ăn chia ca với mật độ thấp và có vách ngăn.

Ngày đầu tiên, người lao động được ký cam kết thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”. Sau khi truy vết khi có ca F0 tại cơ sở, trước khi đưa F1 đi cách ly tập trung, đơn vị thực hiện phân nhóm theo vị trí việc làm và nguy cơ tiếp xúc.

Vách ngăn an toàn chống dịch tại phòng ăn Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước

“Suốt thời điểm nằm trong vùng đỏ không thể đưa phế liệu thủy sản ra ngoài, doanh nghiệp đã sử dụng lò sấy khô sạch sẽ tại chỗ rồi sau đó xin phép địa phương dùng xe luồng xanh chuyển giao cho các nhà máy ở Quảng Nam. Dù công suất, sản lượng giảm nhưng công ty vẫn đảm bảo nước thải thủy sản được xử lý đúng quy chuẩn”, ông Lĩnh cho hay.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, việc triển khai mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đi/đến” làm gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Chia sẻ những khó khăn, chính quyền TP Đà Nẵng nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai còn lúng túng, cần thời gian điều chỉnh .

“TP Đà Nẵng xác định “sức khỏe” doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt, sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm, tạo nguồn lực tổng hợp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Chinh nhìn nhận.

TP Đà Nẵng chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà doanh nghiệp đã trải qua, mỗi biện pháp đưa ra đều nhằm hạn chế mức thấp nhất tổn thất ảnh hưởng tới các đơn vị

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành từ hai phía, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, tất cả các giải pháp phòng, chống dịch của TP Đà Nẵng khi mở các hoạt động trở lại cần sự tương tác, chấp hành của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp phải có phương án phòng chống dịch, người dân phải có ý thức, thói quen trong phòng chống dịch, bởi giải pháp một phía từ chính quyền là không đủ để đảm bảo.

TP Đà Nẵng cũng sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, phòng chống dịch, hướng đến sớm hình thành công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh. Tăng cường chuyển đổi số, phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký/mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động.

Tin cùng chuyên mục