Đà Nẵng vững bước trên hành trình chuyển đổi số - Bài 3: Yếu tố then chốt cho chuyển đổi số

Việc xây dựng nhiều ứng dụng tổng hợp và thân thiện như vậy đòi hỏi lượng thông tin khổng lồ. Trong một số ngành, lĩnh vực, việc số hóa dữ liệu đánh dấu một bước chuyển quan trọng, là công cụ để giải quyết các vấn đề cũng như tính minh bạch, công khai của địa phương. Không chỉ là một dạng tài nguyên, dữ liệu được khẳng định là hạ tầng số, là yếu tố không thể thiếu để từ đó xây dựng nên các trụ cột của quá trình chuyển đổi số.

Phiên tòa hình sự "số hóa hồ sơ vụ án" tại TP Đà Nẵng
Phiên tòa hình sự "số hóa hồ sơ vụ án" tại TP Đà Nẵng

Dữ liệu đóng vai trò chủ chốt

Là một trong những đơn vị có tổng số lượng vụ việc lớn nhất tại TP Đà Nẵng, theo ông Lê Văn Khương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, đơn vị luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển hóa các chứng cứ trên giấy tờ qua điện tử. Từ đó, ngoài thuận lợi lưu trữ, có thể truy xuất dữ liệu mọi lúc, mọi nơi, nhất là việc tìm kiếm tài liệu đối với những vụ án phức tạp có hàng nghìn trang hồ sơ, vài trăm bút lục.

Quan trọng nhất, việc áp dụng “số hóa” ngay từ giai đoạn xử lý nguồn tin về tội phạm đã giúp các điều tra, kiểm sát viên thuận tiện cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cung cấp cho người bào chữa. Những người tham gia vụ án được quyền sao chụp tài liệu cũng như việc báo cáo án cho lãnh đạo nghiên cứu hồ sơ, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sẽ giúp Kiểm sát viên chủ động trong quá trình tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác và có tính thuyết phục cao, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội... nhất là các vụ án phức tạp nhiều bị can, bị cáo.

Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ công tác chuyên môn
Đơn cử như vụ án Chen Xian Fa (29 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và đồng phạm bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép” quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự. Để đảm bảo sự thuyết phục, tính minh bạch trong quá trình công bố cáo trạng, xét hỏi và tranh tụng đối với bị cáo là người nước ngoài, kiểm sát viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trình chiếu tài liệu, hình ảnh, chứng cứ liên quan có trong hồ sơ vụ án được “số hóa” để làm dẫn chứng.

Về lĩnh vực đất đai, sở TN-MT TP Đà Nẵng đã ký kết với một đơn vị công nghệ tiến hành xây dựng hệ thống cổng thông tin dữ liệu đất đai. Hiện người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập Cổng thông tin đất đai Đà Nẵng tại địa chỉ https://ttdd.tnmt.danang.gov.vn (hoặc ứng dụng “Thông tin đất đai Đà Nẵng” trên điện thoại thông minh) để tra cứu thông tin địa chính về thửa đất đang tìm hiểu. Chỉ cần phóng to bản đồ trực tuyến và chọn vị trí thửa đất sẽ hiện ra thông tin về số hiệu thửa, số hiệu tờ bản đồ, diện tích, mục đích sử dụng đất, tình trạng pháp lý... Đồng thời, có thể tìm hiểu về bảng giá đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin về quỹ đất đầu tư, trong đó có cả thông tin dự án, chỉ tiêu quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, tầng cao, tình trạng pháp lý,… góp phần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.

Không những thế, thay vì phải sử dụng phần mềm chuyên dụng tại cơ quan, cán bộ chuyên môn về giá đất, quản lý quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, thống kê và kiểm kê… có thể xử lý ở bất cứ nơi nào có kết nối mạng, giúp đẩy nhanh tiến độ.

Đà Nẵng vững bước trên hành trình chuyển đổi số - Bài 3: Yếu tố then chốt cho chuyển đổi số ảnh 2 Cơ sở dữ liệu đất đai Đà nẵng đã được số hoá tiện ích cho người dân và doanh nghiệp

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, đối với người dân, doanh nghiệp, việc thông tin về đất đai được công khai, đầy đủ sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, từ đó giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện, giảm các vấn đề xã hội tiêu cực; thúc đẩy các hoạt động giao dịch bất động sản an toàn và thuận lợi.

Việc tiếp cận thông tin đối với công chức ngày càng thuận tiện hơn trên môi trường internet, nhất là hỗ trợ lãnh đạo TP Đà Nẵng ra quyết định mang tính thời điểm.

Phát triển dữ liệu mở

Theo TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Đà Nẵng, dữ liệu của ngành du lịch ngoài các thông tin chính thống về cơ sở dữ liệu ngành còn là các thông tin điển hình được tạo ra bởi chính khách du lịch khi họ để lại khi sử dụng các công nghệ di động, qua đó có thể thu thập được mọi thứ có liên quan đến trước, giữa và sau một chuyến đi.

Đối với doanh nghiệp du lịch, các công ty có thể xác định nhu cầu của khách hàng thông qua big data từ các dữ liệu lịch sử dụng dịch vụ, dấu trang tra cứu. Thậm chí, các đoạn hội thoại trên mạng xã hội hay bình luận online, qua đó có thể phân tích đánh giá của khách hàng đối với mỗi loại hình dịch vụ và sản phẩm khác nhau, xây dựng sản phẩm phù hợp đúng với khách hàng mục tiêu.

Việc thu thập và sử dụng rộng rãi dữ liệu lớn trong khu vực công và tư nhân mang lại cơ hội tích hợp nâng cao với dữ liệu không gian địa lý và các chỉ số kinh tế du lịch.

Đà Nẵng vững bước trên hành trình chuyển đổi số - Bài 3: Yếu tố then chốt cho chuyển đổi số ảnh 3 Bảng mã QR được gắn ngay dưới bảng tên đường để người dân và du khách tra cứu thông tin

Đối với TP Đà Nẵng, địa phương chủ động xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành phục vụ triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Cụ thể, dữ liệu công dân có hơn 1,3 triệu dữ liệu, đạt 100% so với dân số; dữ liệu doanh nghiệp có hơn 44.000 dữ liệu, đạt 100%; dữ liệu nhân hộ khẩu có khoảng 267.695 dữ liệu và 1.021.822 bản ghi nhân khẩu, cùng đạt 96%; dữ liệu thủ tục hành chính đạt 100%; cán bộ công chức viên chức với 30850 dữ liệu, đạt 100%....

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, một trong những “bài toán” khó của dữ liệu trong chuyển đổi số là tình trạng dữ liệu cát cứ, rời rạc, chưa được chia sẻ giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

TP Đà Nẵng đã từng ghi nhận tình trạng quá tải ở nhiều trạm y tế lưu động khu vực phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) khi người lao động cần giấy xác nhận F0 để hưởng chế độ thuộc BHXH. Cụ thể, vấn đề BHXH không có quy định cụ thể đối với xác nhận F0 dưới hình thức nào, là văn bản có dấu hay hồ sơ điện tử, có chấp nhận dữ liệu điện tử đang thu thập hay không.

Theo quy định Bộ Y tế, người dân phải có giấy xác nhận F0 để làm thủ tục hưởng chính sách BHXH. Nếu công nhận dữ liệu của nhau thì thủ tục sẽ gọn hơn và tránh được việc tập trung đông người. Tuy nhiên, việc công nhận các dữ liệu cũng như liên thông từ đó giải quyết chế độ bằng dữ liệu điện tử không phải là điều dễ dàng bởi còn lên quan đến chi tiền, khai khống, giả mạo, …

Dữ liệu mở đã và đang là nguồn tài nguyên thực sự giá trị, góp phần làm phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề cấp thiết trong xã hội. Để tạo nên nguồn dữ liệu mở, theo ông Thanh, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên nguồn tài nguyên này.

Đà Nẵng vững bước trên hành trình chuyển đổi số - Bài 3: Yếu tố then chốt cho chuyển đổi số ảnh 4 Cơ sở dữ liệu là yếu tố có khả năng mang lại độ chính xác cao và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp

“Chúng ta muốn nói đến big data thì điều đầu tiên phải có data là gốc. TP Đà Nẵng sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp phục vụ cho việc vận hành, phát triển. Ngược lại, từ phía doanh nghiệp cần công khai dữ liệu để chúng ta tạo nguồn dữ liệu lớn để phát triển theo định hướng ‘win-win’ (2 bên cùng có lợi)”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, địa phương nỗ lực thông qua các chương trình đào tạo để có nguồn nhân lực bảo đảm cho việc vận hành hệ thống thông tin của mô hình Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng. Những công nghệ về bảo mật sẽ được nghiên cứu, lựa chọn thành phần phù hợp để áp dụng, bảo đảm an toàn dữ liệu cho hệ thống và công dân, doanh nghiệp khi tương tác.

Tin cùng chuyên mục