Đà Nẵng trên hành trình chuyển đổi số - Bài 1: Xây dựng chính quyền số chuyên nghiệp, hiện đại

Từ việc điền các thông tin trên giấy sang thực hiện các thao tác trên cổng dịch vụ công Đà Nẵng đã tạo nên một bước tiến về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo nền tảng để xây dựng chính quyền số chuyên nghiệp, hiện đại.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính được TP Đà Nẵng triển khai đến 24 đơn vị sở ngành
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính được TP Đà Nẵng triển khai đến 24 đơn vị sở ngành

Tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (24 Trần Phú, TP Đà Nẵng), chỉ trong 5 phút thực hiện thao tác, anh Hoàng Xuân Hiếu (36 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã hoàn tất thủ tục chuyển lương hưu cho người thân. Ngay tại nhà, anh Hiếu có thể tìm hiểu các thủ tục để thực hiện việc chuyển lương hưu cho người nhà. Sau đó, đăng ký thực hiện qua phương thức điện tử, bởi qua hướng dẫn của nhân viên hành chính công, anh có thể có thể kê khai ngay tại nhà mọi lúc chứ không phải sắp xếp công việc để đến cơ quan trong giờ hành chính, rồi mất thêm thời gian chờ đợi đến lượt.

“Ngày trước mình phải đi lại nhiều lần vì không hiểu rõ hồ sơ gồm những gì. Giờ thì tại trung tâm các nhân viên chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và mình chỉ chờ đến ngày để nhận kết quả”, anh Hiếu chia sẻ. 

Trên website cổng dịch vụ công, người dân có thể tìm hiểu một số thông tin như cách thực thực hiện, thời gian giải quyết, cơ quan và đối tượng thực hiện, các điều kiện thực hiện,... 
Nhiều thủ tục hành chính công đã được số hóa, tạo sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. Khi thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng vốn cho công ty, chị Đoàn Thị Diệu Trinh (26 tuổi, nhân viên Công ty Xây dựng Techbuild) cho hay, trên website cổng dịch vụ công, chị có thể tìm hiểu một số thông tin như cách thức thực hiện với mức độ cụ thể, thời hạn giải quyết, cơ quan và đối tượng thực hiện và các điều kiện để thực hiện. Đặc biệt, chị Trinh có thể theo dõi được trạng thái xử lý hồ sơ mà mình đã thực hiện.
“Sau khi đăng ký tài khoản, tôi có thể vào trang quản lý cá nhân để theo dõi việc xử lý hồ sơ các cơ quan chức năng. Với mỗi hồ sơ sẽ có trạng thái xử lý tương ứng. Từ đó, có thể bổ sung tài liệu và thanh toán nếu có yêu cầu. Đặc biệt các thông tin này được bảo mật chỉ những người thực hiện mới có thể truy cập”, chị Trinh nhìn nhận.
Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính, theo chị Phan Hữu Khánh Linh, nhân viên bộ phận 1 cửa thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, tốc độ tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ cho doanh nghiệp nhanh chóng hơn, thay vì trong 30 phút chỉ tiếp nhận thủ tục của 1 doanh nghiệp thì giờ có thể tiếp nhận 5 doanh nghiệp trong chừng đó thời gian. Trong đó, một số giấy tờ đã được số hóa bằng bảng mềm. “Việc số hóa tài liệu giúp tôi có thể truy cập nhanh chóng, quản lý tốt hơn”, chị Linh cho hay.
Sau khi đăng kí tài khoản, chị Đoàn Thị Diệu Trinh (26 tuổi, nhân viên Công ty Xây dựng Techbuild) có thể vào trang quản lý cá nhân để theo dõi việc xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng

Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính được TP Đà Nẵng triển khai đến 24 đơn vị, sở ngành. Không chỉ tiết kiệm thời gian công sức, người dân, doanh nghiệp có thể phản hồi những ý kiến thông qua phần mềm đánh giá hồ sơ, công chức tiếp nhận và phản ánh kiến nghị thông qua thiết bị được lắp đặt trên bàn nơi tiếp nhận hồ sơ.

Tính đến nay, Đà Nẵng đã có 97% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; trong đó 66% dịch vụ công trực tuyến mức 4 (vượt chỉ tiêu 30% theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07-3-2019 của Chính phủ, cao hơn giá trị bình quân toàn quốc là gần 32%); kết quả thủ tục hành chính được ký số và được gửi vào kho dữ liệu số cá nhân. Hiện nay, có gần 180.000 tài khoản điện tử của người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống.

Để tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, Đà Nẵng đã xây dựng nhóm cơ sở dữ liệu trên nền tảng số. Trong đó, ứng dụng Chatbot hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công từ tháng 7-2018, tạo lập bộ dữ liệu hơn 24.000 câu hỏi, trung bình 4.000 lượt hỏi, đáp/tháng (tương đương tiết kiệm 40 ngày làm việc/tháng) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ 24/24 giờ.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, tốc độ thu nhận và xử lý của chị Phan Hữu Khánh Linh, nhân viên bộ phận 1 cửa thuộc sở KH-ĐT, Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng tăng lên gấp nhiều lần
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin dịch vụ công (Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng), Tổng đài 1022 là cầu nối giữa chính quyền TP Đà Nẵng và người dân thông qua nhiều kênh, từ gọi điện thoại đến các kênh mang tính công nghệ số như cổng góp ý, các ứng dụng thuộc mạng xã hội... Không chỉ cung cấp thông tin chính xác kịp thời, người dân có thể tiếp cận ứng dụng về công nghệ thông tin, các dịch vụ đô thị thông minh mà Đà Nẵng đang triển khai.

“Các ứng dụng bảo mật danh tính này giúp người dân mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến một cách văn minh, lịch sự và nhắc nhở cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn trong ngành, lĩnh vực phụ trách”, ông Quốc chia sẻ.

Tổng đài dịch vụ công 1022 của Đà Nẵng, một trong những cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh (Ảnh chụp trước lúc Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội do dịch ảnh hưởng bởi dịch Covid-19)

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, chính quyền số cần đi đầu, song song đó là kinh tế số và tiếp đó là xã hội số. Để giải quyết vấn đề về doanh nghiệp, cơ chế số giữa nguồn lực và năng lực của doanh nghiệp, Đà Nẵng đã dành nguồn lực ngân sách cho khoa học công nghệ lên đến 2,3%, trong đó chuyển đổi số chiếm 1,8%. Không những vậy, Đà Nẵng đã khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện vì cơ sở dữ liệu chưa được đồng bộ.

“Lực cản của chuyển đổi số đó là về tư duy đụng chạm về quyền lợi, lợi ích, đụng chạm bí mật của ngành đó. Hầu hết không muốn chia sẻ nên đã làm chậm lại quá trình khai thác dữ liệu”, ông Quảng thẳng thắn.

Để chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính”, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân. Đây cũng là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển thành phố; hướng đến TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Khảo sát mức độ hài lòng đối với nhân viên tổ 1 cửa Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Để triển khai chuyển đổi số thành công, Đà Nẵng đã và đang triển khai những bước bài bản. Hiện Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số đã được kỳ họp Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua và UBND TP Đà Nẵng sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số trong thời gian tới. Đà Nẵng còn mở rộng, bổ sung theo đặc thù phát triển của mình như: có mô hình tiếp cận cho riêng Đà Nẵng, có thêm chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể; bổ sung hàng chục chỉ tiêu so với chương trình chuyển đổi số quốc gia…

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, để có những bước tiến rõ nét trong chuyển đổi số, năm 2021, Đà Nẵng cần đạt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ hành chính công ở mức độ 4; chủ động cung cấp dịch vụ công cá nhân hóa cho người dân, doanh nghiệp; chỉ yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu một lần duy nhất cho các dịch vụ công. Về dài hạn, thành phố có thể “đặt hàng” những bài toán chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; đầu tư phát triển các công nghệ như in 3D, trí tuệ nhân tạo; tạo các nét đặc trưng riêng như xây dựng trung tâm nghiên cứu sản phẩm thông minh, thực hiện truyền dữ liệu qua hệ thống Lora…

Tin cùng chuyên mục