Đà Nẵng tìm giải pháp hiện thực hóa đô thị thông minh từ các nước Tây, Bắc Âu

Ngày 20-5, UBND TP Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng. 

Đà Nẵng sẽ có cái nhìn toàn diện về xây dựng đô thị thông minh
Đà Nẵng sẽ có cái nhìn toàn diện về xây dựng đô thị thông minh

Theo ngài Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Áo tại Việt Nam, TP Vienna (Áo) khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp với những quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân với mục tiêu là thúc đẩy việc đi lại mà không sử dụng ô tô. Hiện thành phố này đang phấn đấu đến năm 2025 có 80% "di chuyển xanh". Tiến tới việc chuyển đổi sang đi lại bằng xe điện, đặc biệt là trong dịch vụ hậu cần và vận chuyển.

Ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ngài Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM cho biết, tại Hà Lan, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững. Đó là việc nâng cao khả năng sống, tính bền vững và tính toàn diện của thành phố. Thành phố thông minh là một hành trình liên tục, không phải là điểm đến cuối cùng. Các thành phố thay đổi với tốc độ chóng mặt, thật khó để dự đoán người dân sẽ cần và ước gì trong 30 năm tới.

Theo ngài Daniel Coenraad Stork, giống như Đà Nẵng, du lịch rất quan trọng đối với Hà Lan. Xem xét đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, Hà Lan đặt mục tiêu phát triển Hà Lan thành một điểm đến đáng sống, phổ biến và có giá trị trong tương lai.

Hội thảo có sự tham gia đại diện các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước: Áo, Ireland, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Anh... cùng lãnh đạo các Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị thông minh

"Chúng tôi đã tạo ra một tầm nhìn dài hạn cùng với lĩnh vực này. Với tầm nhìn này, chúng tôi truyền cảm hứng, kết nối và tạo điều kiện cho các thành phố, khu vực, chủ sở hữu doanh nghiệp và các bên liên quan khác", ngài Daniel Coenraad Stork nói.

Để góp phần xây dựng đô thị thông minh, nhiều giải pháp đã được đề xuất như: giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh; giải pháp chiếu sáng thông minh khu vực công cộng và giải pháp chiếu sáng - tô điểm công trình,…

Theo ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc tư vấn giải pháp thông minh của Điện Quang, đến thời điểm này, Điện Quang đã hoàn thành 2 dự án góp phần xây dựng đô thị thông minh cho Đà Nẵng, đó là dự án lắp đặt 45 bộ đèn LED thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và dự án cung cấp 1.330 đèn LED cho đường hầm Mũi Trâu – Đà Nẵng. Các dự án này đều mang đến giải pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, quản lý hệ thống chiếu sáng từ trung tâm và sẵn sàng kết nối đô thị thông minh.

Một mô hình về chiếu sáng thông minh của đơn vị Điện Quang

“Điểm khác biệt của đơn vị là đem đến giải pháp chiếu sáng tô điểm, làm đẹp, tạo ấn tượng cho các công trình nhằm mang đến sự “Thông Minh – An Toàn – Thẩm Mỹ”. Hơn nữa, còn có công nghệ điều khiển, lập trình, tự động hóa một cách thông minh, giải pháp đa dạng, linh hoạt trong thiết kế”, ông Bạch cho hay.

Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho biết, phát triển đô thị thông minh trong kỷ nguyên số là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Đà Nẵng hiện có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, chính quyền và nhân dân địa phương cũng đang quyết tâm xây dựng thành phố thông minh.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Gíam đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng trình bày chiến lược, định hướng và kết quả xây dựng đô thị thông minh tại TP Đà Nẵng

Tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, năm 2010, TP Đà Nẵng ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng. Năm 2018, TP Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc thành phố thông minh, bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; chính thức triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Đà Nẵng ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố.

Công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng. Hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp.

"Để triển khai thành phố thông minh thành công, chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính", ông Minh nói.

Tin cùng chuyên mục