Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11

Trưa 13-11, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công điện về việc ứng phó với cơn bão số 13 (bão Vamco), mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa ngày 14-11.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, thủy văn, cơn bão số 13 đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền khu vực Trung Trung bộ. Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Dự kiến ngày 14-11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới TP Đà Nẵng, gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, mực nước biển và sóng biển dâng cao.

Để chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai phương án sơ tán các hộ dân sống trong các nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão, bắt đầu từ chiều ngày 13-11 và chậm nhất đến 11 giờ ngày 14-11.

Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học ngày 14-11. Tiếp tục theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến để quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND TP Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-11 cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14-11, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. 

Các đơn vị liên quan tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại tới những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường… quan trọng bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-11-2020.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi; phối hợp với các địa phương và các đơn vị đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu trú tránh bão gồm âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu, thuyền neo đậu trong thời điểm mưa, bão; chủ trì, phối hợp với Sở Công thương TP Đà Nẵng, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang khẩn trương di dời tất cả các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Tất cả công việc hoàn thành trước 15 giờ ngày 13-11-2020.

* Trưa 13-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Công văn số 10249 /UBND-NN về việc triển khai các công tác ứng phó với cơn bão số 13.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai ứng phó với bão số 13; yêu cầu người dân không ra khỏi nhà dự kiến bắt đầu từ 18 giờ ngày 14-11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; căn cứ vào tình hình thực tế, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến thời tiết; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11 ảnh 1 Công an Thừa Thiên - Huế giúp dân gia cố nhà cửa phòng chống bão số 13

Kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15 giờ ngày 14-11; khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố.

Việc sơ tán dân hoàn thành trước 10 giờ ngày 14-11; các đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với cơn bão số 13; ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các địa phương cấp huyện thông báo cho các đơn vị, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bố trí công việc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đảm bảo an toàn theo các yêu cầu nêu trên.

Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11 ảnh 2 Công an Thừa Thiên - Huế giúp người dân gia cố nhà cửa phòng chống bão số 13

Cùng với đó, để ứng phó với bão số 13, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng kế hoạch di dời tập trung và tại chỗ 19.671 hộ dân, với 65.890 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn; hoàn thành trước 10 giờ ngày 14-11. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến.

Quảng Trị sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất trước bão số 13

Ngày 13-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đã lên các phương án sơ tán người dân để đảm bảo an toàn tránh bão số 13, ngập lụt và sạt lở đất.

Theo đó, để ứng phó với bão số 13, tỉnh Quảng Trị tiến hành di dời người dân ở vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu, đặc biệt là khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt khu vực huyện Hướng Hóa, Đakrông đến các địa điểm an toàn, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11 ảnh 3 Người dân xã Triệu An (huyện Triệu Phong) dùng bao cát gia cố quanh hồ tôm để đảm bảo an toàn
Hiện nay, tỉnh đã triển khai sơ tán hơn 570 hộ dân với gần 2.000 người nhằm tránh lũ ở vùng trũng và tránh sạt lở đất tại huyện miền núi.

Cùng lên phương án sơ tán hơn 6.300 hộ với gần 18.000 người nếu bão số 13 không đổ bộ trực tiếp, bao gồm di dời tại chỗ và di dời tập trung. Khi bão số 13 đổ bộ trực tiếp, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành kịch bản sơ tán gần 25.000 hộ dân với 95.000 người đến các khu vực an toàn để tránh bão.

Dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và các xã miền núi của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11 ảnh 4 Ngư dân gia cố, neo tàu tránh bão tại âu tàu Cửa Việt (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)
Bên cạnh đó, đối với di dời dân tránh lũ do mưa bão, triển khai sơ tán hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc các xã, phường, thị trấn tránh lũ. Khi có nếu có lũ đặc biệt lớn, tỉnh sẽ di dời hơn 15.000 hộ với gần 50.000 người ở 99/124 xã, phường, thị trấn đến nơi an toàn.
Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ trưa 14-11 ảnh 5 Tàu thuyền neo đậu tại âu tàu cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) để tránh trú bão
Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã đạt dung tích trữ, một số hồ đã tiến hành điều tiết xã lũ trong thời gian vừa qua. Tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị xây dựng kế hoạch vận hành điều tiết xả lũ đối với các hồ có cửa van điều tiết với lưu lượng xả lũ ứng với các kịch bản mưa và lượng nước đến hồ.

Bắt đầu từ 14 giờ chiều nay, Quảng Trị thực hiện cấm biển. Các lực lượng triển khai công tác thông tin, cảnh báo, theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào các khu vực tránh trú an toàn, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh này cũng lưu ý các tàu vận tải đang neo đậu không được để người ở lại trên các tàu tránh xảy ra sự cố nguy hiểm. Hiện có hơn 2.300 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tại các bến, âu tàu để tránh trú bão trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục