Đà Nẵng thiết lập trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp

Chiều 17-12, Bệnh viện 199 phối hợp với Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cùng với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng có buổi làm việc về phương án triển khai Trạm y tế lưu động phòng chống dịch Covid-19.

Trang thiết bị thăm khám từ xa
Trang thiết bị thăm khám từ xa

Theo đó, tại các trạm y tế lưu động, Bệnh viện 199 sẽ phối hợp cung cấp trang thiết bị theo dõi từ xa, thăm khám lưu động như đo huyết áp, đo mạch, nhịp tim, đo Sp02, máy phẫu thuật phaco, máy siêu âm tim màu 4D, máy xét nghiệm hiện đại (sinh hóa tự động AU680, máy xét nghiệm khẳng định Covid-19, xét nghiệm đông máu tự động...).

BS.CK1 Nguyễn Thị Hồng Hương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện 199) cho biết, tất cả thiết bị sẽ được truyền dữ liệu về Bệnh viện 199 cũng như kết nối các đơn vị hợp tác khác như bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Viện Y Học Dự Phòng Quân Đội, Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường,... để tiến hành hỏi ý kiến chuyên môn, hội chẩn từ các chuyên gia, bác sĩ.

Buổi làm việc tại Bệnh viện 199

“Trạm y tế có chức năng bóc tách F0 sớm nhất ra khỏi cộng đồng khu công nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như thu dung, cách ly và điều trị tạm thời cho các trường hợp, hạn chế tình trạng đứt gãy quy trình sản xuất đối doanh nghiệp”, bác sĩ Hương cho hay.

Trạm y tế lưu động sẽ đặt tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) với diện tích 400m2 tương ứng quy mô 40 giường cách ly, sẽ mở rộng triển khai 100 -200 giường tại khu vực sân bóng nếu số lượng ca mắc tăng lên và Khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà) với diện tích 300m2 quy mô 30 giường cách ly.

Nhân lực thường trực tại trạm với 5 cán bộ, gồm: 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xét nghiệm, 1 lái xe.

Khi bùng phát dịch bệnh trong khu công nghiệp, tùy theo mức độ sẽ huy động nhân lực từ Bệnh viện 199 và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ cấp cứu thường trực.

Một trạm y tế lưu động sẽ được đặt Khu công nghiệp An Đồn 

TS. BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) nhìn nhận, khu công nghiệp thường có lực lượng lao động đông và nguy cơ lây nhiễm lúc nào có thể xảy ra. Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ổ dịch tại khu công nghiệp tại các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp như tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bình Dương,....

“Việc dập dịch, xử lý y tế tại khu công nghiệp rất khó khăn chính vì vậy mà việc lập những trạm y tế lưu động tại khu vực này giúp giảm tải áp lực đối với y tế địa phương, góp phần khoanh vùng, xử lý dịch bệnh nhanh chóng, triệt để”, TS.BS Trung cho hay.

Tin cùng chuyên mục