Đà Nẵng thí điểm cung cấp dịch vụ công qua bưu điện

Bưu điện sẽ trở thành nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Đây là một đề án mới, bắt đầu triển khai ở thành phố Đà Nẵng vào tháng 9.
Các sở ngành, quận huyện TP Đà Nẵng ký kết thực hiện thí điểm đề án
Các sở ngành, quận huyện TP Đà Nẵng ký kết thực hiện thí điểm đề án
Ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị
Sáng 30-8, UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội nghị “Triển khai đề án thí điểm chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho Bưu điện thành phố”. 
Đà Nẵng thí điểm cung cấp dịch vụ công qua bưu điện 
Thí điểm triển khai Đề án giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước giảm biên chế, giảm tải công việc, khai thác hiệu quả dịch vụ bưu chính công cộng. Đồng thời, đề án góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, tạo thuận tiện đối với người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết.

Tại hội nghị, theo đề án, việc triển khai đảm bảo 3 yêu cầu: chất lượng phục vụ  của bưu điện đối với các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công dưới sự giám sát đơn vị có thẩm quyền và sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và bưu điện; việc chuyển giao được thực hiện trên lộ trình phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả phù hợp với quy định với pháp luật, năng lực của bưu điện. 

Ông Nguyễn Quốc Vinh - đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam
Trong đề án, người dân, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với nhân viên bưu điện, không cần trực tiếp đến bộ phận một cửa các cơ quan nhà nước. Nhân viên bưu điện sẽ đến tận nơi để nhận hồ sơ, chuyển đến cơ quan nhà nước giải quyết và nhận kết quả và trả về địa chỉ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Với đề án, người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, đơn giản hóa các thủ tục khi thực hiện các dịch vụ công. Đặc biệt, với người dân vùng xa, bưu điện có những chính sách tạo điều kiện phù hợp.  

Được biết, đề án tham khảo kinh nghiệm của một số nước đứng đầu về cải cách hành chính như Liên Bang Nga, Nhật Bản, Pháp... Ở Việt Nam, để tạo sự phù hợp và khuyến khích các cơ quan hành chính cùng phối hợp, ông Nguyễn Quốc Vinh, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho hay, đề án thực hiện ở 4 cấp độ nhằm tránh sự đầu tư quá lãng phí, nâng cao trình độ sử dụng của con người. Hiện nay, đề án đã thực hiện ở 12 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Bưu điện có mạng lưới rộng rãi với 52.000 nhân viên biên chế và 20.000 cộng tác viên. Đây là điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi thực hiện hiệu quả đề án. 

Đề án thí điểm sẽ tập trung bố trí nhân viên tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, liên thông 3 cấp, cụ thể: tại Trung tâm hành chính thành phố ở cấp thành phố; tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng HĐND, UBND quận huyện; tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các phường, xã. Tại Đà Nẵng, đề án sẽ thí điểm đầu tiên tại 14 đơn vị (7 đơn vị sở và 7 đơn vị quận, huyện). Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, việc kết nối hệ thống phần mềm dịch vụ công tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

“Trong thời gian tới, bưu điện xây dựng nền tảng, giảm mạng xã hội để tạo điều kiện thủ tục hành chính nhưng vẫn tạo nên một kênh kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương với sự tham gia của bưu điện”- ông Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ. 

Với đề án mới này, ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đưa ra yêu cầu, các đơn vị thí điểm cần chuẩn bị nội dung, tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn nhân viên bưu điện tiếp nhận nhiệm vụ, phổ biến nhân viên tại cơ sở và người dân thường xuyên giao dịch tại đơn vị. Không chỉ cung cấp dịch vụ, Bưu điện thành phố Đà Nẵng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt thành phố.

Tin cùng chuyên mục