Đà Nẵng thảo luận đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị

Sáng 11-10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới mô hình chính quyền đô thị để tiếp thu ý kiến từ cơ quan các cấp và các chuyên gia.

Đầu năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Đà Nẵng thảo luận đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị ảnh 1 Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Từ Nghị quyết, UBND TP Đà Nẵng đã nghiên cứu đưa ra 2 phương án định hướng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của thành phố.

Theo đó, phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, phường và xã). Phương án này căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị của TP Đà Nẵng và kinh nghiệm từng thí điểm trong giai đoạn 2009-2016. Đây cũng là phương án Bộ Chính trị cho phép TP Hải Phòng “thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và 2 cấp hành chính”.

Phương án 2 sẽ thực hiện xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (đối với phường, xã). Đây là mô hình thí điểm được Bộ Chính trị cho phép TP Hà Nội thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý đã có nhiều tham luận đóng góp với thành phố để hoàn thiện nội dung Đề án. Đã có nhiều ý kiến đồng thuận với phương án 1 mà UBND TP Đà Nẵng đưa ra là thực hiện mô hình 1 cấp chính quyền và 2 cấp hành chính.

Tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh, Viện phó Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội Vụ nêu ý kiến: “Cấu trúc của đô thị là đơn nhất cho nên chỉ có một bộ máy chính quyền duy nhất. Theo mô hình này, mỗi đô thị chỉ có một cơ quan HĐND, có vai trò quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đô thị, còn tại các đơn vị hành chính nội bộ đô thị (quận, phường) chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước, để thực thi các nhiệm vụ cụ thể của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên từng địa bàn phân cấp và ủy quyền của chính quyền thành phố, thị xã. Điều này phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao của đô thị”.

Đà Nẵng thảo luận đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị ảnh 2 Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ  TP Đà Nẵng nêu các mặt tích cực khi không tổ chức HĐND giai đoạn 2009-2016. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Còn ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND giai đoạn 2009-2016 đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ viên chức và các tầng lớp nhân dân thành phố. Kết quả rõ nét là ở việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm một phần chi phí hành chính. Qua khảo sát của Sở Nội vụ TP Đà Nẵng vào năm 2013 thì đại đa số ý kiến được hỏi đều đánh giá tích cực sự chuyển biến trong hoạt động của bộ máy chính quyền khi không tổ chức HĐND.

Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình chính quyền như phương án 1, có ý kiến cho rằng phải giải quyết được một số vấn đề như: Việc giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND cấp quận, huyện; UBND cấp xã, phường. Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND sẽ như thế nào khi tinh giảm gần 1.800 đại biểu các cấp thì việc sẽ dồn về HĐND thành phố…

Từ những tham luận, ý kiến tham gia Hội thảo, UBND TP Đà Nẵng đã tiếp thu ý kiến từ các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung Đề án theo chủ trương của Bộ Chính trị.

Tin cùng chuyên mục