Đà Nẵng: Quận Liên Chiểu hướng đến đô thị công nghiệp – dịch vụ cảng biển hiện đại

Liên Chiểu là nơi địa đầu phía Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng, chính thức được thành lập trên cơ sở 3 xã Hòa Minh, Hòa Khánh, Hòa Hiệp của huyện Hòa Vang theo Nghị định số 07/CP ngày 23-01-1997 của Chính phủ. 
Liên Chiểu nhìn từ trên cao
Liên Chiểu nhìn từ trên cao

Những năm đầu thành lập quận, vẫn còn rất nhiều những khó khăn của vùng ngoại ô thành phố; trụ sở làm việc của Đảng, chính quyền, Mặt trận chưa có, cán bộ, công chức phải làm việc ở các cơ sở nhà thuê, thiếu thốn, chật chội. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu, chủ yếu được điều động từ huyện Hòa Vang.

Với xuất phát điểm thấp, hơn 80% dân cư sinh sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ sản xuất nông nghiệp manh mún và dịch vụ nhỏ lẻ, nguồn thu ngân sách rất nhỏ; kết cấu hạ tầng KT-XH còn lạc hậu; đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Qua từng nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình đề án phát triển KT-XH, củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Quận ủy Liên Chiểu xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm, đưa nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đồng thời chỉ đạo, động viên các cấp, các ngành phải vươn lên tầm cao mới bằng một tinh thần kiên quyết, khẩn trương và nỗ lực vượt bậc.

Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu thường xuyên chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa
Đầu tư toàn diện

Có thể khẳng định rằng, với những hướng đi phù hợp, những đột phá sáng tạo, Liên Chiểu đã vươn mình trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu to lớn và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế không ngừng tăng trưởng cả về số lượng lẫn quy mô đầu tư. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tăng 30 lần; tổng thu ngân sách nhà nước 690 tỷ đồng, tăng hơn 111 lần so với năm 1997 khi mới thành lập quận. Số doanh nghiệp do quận quản lý hiện nay là 3.068 doanh nghiệp, tăng 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ, tăng hơn 88 lần so với thời điểm thành lập quận. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,48%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp, trong đó công nghiệp 64,68%, dịch vụ 35.07%, nông nghiệp 0,25% đảm bảo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội V đã đề ra, và có sự chuyển dịch mạnh mẽ so với thời điểm thành lập quận. Từ một khu kỹ nghệ nhỏ Hòa Khánh, đến nay đã có ba Khu công nghiệp quy mô là Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và Liên Chiểu. Đây là nơi tập trung trên 300 nhà máy, xí nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn quận.

Liên Chiểu có tiềm năng du lịch lớn khi sở hữu bãi biển Nam Ô dài với nhiều làng nghề truyền thống
Diện mạo đô thị của quận được hình thành nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng được hoàn thiện theo hướng hiện đại. Những ngày đầu thành lập quận, chỉ có 5 tuyến đường; nhiều khu vực chưa có điện, nước để sử dụng, thì đến nay không gian đô thị không ngừng được mở rộng, khớp nối 633 tuyến đường với quy hoạch chung của thành phố với tổng chiều dài 134,4km.

Nhiều khu phố thị sầm uất và các khu dân cư hiện đại được hình thành. 100% người dân đã được dùng nước sạch, 98,2% kiệt hẻm đã được bê-tông hóa, 99% hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư được lắp đặt.

Trong thời gian qua, trên địa bàn Liên Chiểu đã xây dựng hàng trăm công trình với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nên đã làm thay đổi diện mạo đô thị của quận, trong đó rõ nét nhất, ấn tượng nhất là mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 1A, đường Nguyễn Tất Thành, tuyến Hầm đường bộ Hải Vân nơi cửa Ô phía Bắc thành phố, là nút Giao thông khác mức Ngã Ba Huế...

Mô hình xây dựng cảng Liên Chiểu, một trong những cảng biển lớn nhất miền Trung
Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Liên Chiểu đầu tư 398 công trình, tổng số vốn đầu tư 686,158 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của quận.

Để có kết quả trên là nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân. Hơn 27.000 hộ giải tỏa để triển khai các dự án, trong đó, hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện hiến trên hàng chục ngàn mét vuông đất cùng vật kiến trúc, hoa màu trị giá trên 40 tỷ đồng. Cuộc sống của gần 70% hộ dân trong diện giải tỏa bị biến động. Đây là sự cống hiến to lớn của nhân dân vì sự phát triển của quận nói riêng và thành phố nói chung.

Hầm Hải Vân, cửa ngõ phía Bắc TP Đà Nẵng, nối quận Liên Chiểu với huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Lĩnh vực văn hóa – xã hội được chú trọng đầu tư mạnh mẽ, bước đầu hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Giáo dục đào tạo có bước phát triển mạnh mẽ, mạng lưới trường học được mở rộng, chất lượng giáo dục được nâng cao. Số lượng sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn hiện nay là trên 40.000 sinh viên, tăng gấp 4 lần. Ở bậc học phổ thông, tăng 45 trường so với 1997, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện hiệu quả; đầu tư nâng cấp bệnh viện quận đạt quy mô 250 giường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải. Các thiết chế văn hóa được đầu tư thích đáng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, quận đã đầu tư 81,232 tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa – lịch sử, phục dựng các giá trị văn hóa được chú trọng, làng nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Trong nhiệm kỳ qua, toàn quận đã huy động và dành 312,112 tỷ đồng để tạo việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, sinh kế, nhà ở, bảo hiểm phục vụ công tác giảm hộ nghèo. Quận đã hoàn thành chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 trước 2 năm; tốc độ giảm hộ nghèo 28 - 33%/năm và tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 2,54%/năm. Bình quân thu nhập giai đoạn 2015 - 2020 là 73,5 triệu/người/năm. Bảo hiểm y tế toàn dân đạt 97,5% .

Công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng, trong đó đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ được quan tâm. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân được phát huy.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Từ một Đảng bộ ngày đầu chỉ có 990 đảng viên, đến nay toàn quận đã có 4.806 đảng viên. Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ để thích ứng với yêu cầu đổi mới trong quản lý và điều hành thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Hướng đến đô thị công nghiệp – dịch vụ cảng biển hiện đại

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Liên Chiểu đạt được trong thời gian qua chỉ mới là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm trong chặng đường phía trước, cần phải năng động, sáng tạo hơn, tập trung xây dựng nhiều giải pháp, ý tưởng đột phá để phát huy, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của mình.

Trước thềm đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận Liên Chiểu đang tích cực hoàn tất các nội dung chuẩn bị, đặc biệt là xây dựng văn kiện đại hội có chất lượng, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động và nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ đến.

Ngay sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng về công tác đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Quận uỷ Liên Chiểu tiến hành cụ thể hóa thành 63 văn bản hướng dẫn và tổ chức quán triệt đến từng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trên địa bàn. Ban Thường vụ Quận ủy cũng đã chọn 2 đơn vị là Đảng bộ phường Hòa Khánh Bắc và Đảng bộ các cơ quan đảng để chỉ đạo đại hội điểm nhằm rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng trên địa bàn…

Nhiệm kỳ tới, quận Liên Chiểu nói riêng và Đà Nẵng nói chung sẽ bắt tay vào thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với định hướng phát triển theo tinh thần Kết luận 24-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “tiếp tục xây dựng và phát triển Liên Chiểu trở thành đô thị lớn phía Tây Bắc của thành phố, là trọng điểm phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đầu mối giao thông quan trọng; một trong những trung tâm giáo dục – đào tạo, trung tâm y tế, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh”.

Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận Liên Chiểu quyết tâm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chính quyền các cấp. Tập trung giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại về quy hoạch, khớp nối hạ tầng đô thị, môi trường, đất đai. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Khai thác tối đa tiềm năng, động lực mới; huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Nâng cao chất lượng sống của người dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu xây dựng quận Liên Chiểu Giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”

Để thực hiện được mục tiêu trên, quận xác định 4 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 8 nội dung, đề án đột phá và 5 nhóm giải pháp trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, quận sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ. Xây dựng hoàn thiện, đưa vào khai thác 2 cụm công nghiệp nhỏ. Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển du lịch, xây dựng Chương trình phát triển dịch vụ du lịch giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào sử dụng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, dự án Mikazuki Hotel & Spa Resort và thúc đẩy hình thành chợ đêm và tuyến phố đi bộ kiểu Nhật Bản.

Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ hướng đến xây dựng đô thị công nghiệp – dịch vụ cảng biển hiện đại khi triển khai dự án Cảng Liên Chiểu. Thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh khâu đột phá trong cải cách hành chính, triển khai Đề án quận thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, từng bước hướng đến mô hình quản trị thông minh hỗ trợ quá trình quản lý và ra quyết định tại các cơ quan nhà nước của quận Liên Chiểu.

Bên cạnh đó, cần giải quyết tốt các vấn đề xã hội như giảm nghèo bền vững, bảo vệ và cải tạo môi trường. Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là khu vực công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Tiếp tục đổi mới, xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Trong đó, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Và đặc biệt là phát huy vai trò trách nhiệm, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp; đồng thời xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tụy, gương mẫu, gắn bó hết lòng với nhân dân.

Lịch sử đã chứng minh, Liên Chiểu là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng. Vịnh biển cong cong như vành nôi hiền hòa - với tiếng sóng ru êm đềm, hòa tiếng gió ru mặn mòi mà ấm ngọt vị khơi xa - đã nuôi lớn và bồi đắp tâm hồn cho biết bao thế hệ người dân nơi đây, để biết yêu thương, gắn bó với mảnh đất này. Nếu Liên Chiểu đã vững vàng vượt qua không ít khó khăn trong ngày hôm qua thì trên chặng đường sắp tới, Đảng bộ và nhân dân quận nhà, với trách nhiệm và bản lĩnh của mình, sẽ tiếp tục vững bước nâng vị thế Liên Chiểu lên tầm cao mới. Và chắc chắn rằng,“một đô thị hiện đại, văn minh phía Tây Bắc thành phố, là trọng điểm phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đầu mối giao thông quan trọng; là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh” sẽ không chỉ là khát vọng mà là hiện thực không xa.

Tin cùng chuyên mục