Đà Nẵng: Phát huy hiệu quả mô hình chính quyền đô thị

Hơn 1 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng (Nghị quyết 119), mô hình chính quyền đô thị ở quận, phường phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo trong phục vụ người dân. Tuy nhiên, cần tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện để phát huy tính ưu việt của mô hình.

Một góc của TP Đà Nẵng
Một góc của TP Đà Nẵng

Bị động khi trở thành cấp dự toán

Sau 1 năm thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119, theo ông Trần Trung Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, việc thực hiện thí điểm góp phần tổ chức bộ máy tinh gọn và nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Theo kết quả khảo sát, trên 89% cán bộ các cấp đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ mới (công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận) là hợp lý và đem lại kết quả tích cực so với trước đây. Khi không tổ chức HĐND, cán bộ chuyên trách HĐND ở các quận, phường đều đã được bố trí công tác mới phù hợp với năng lực quản lý và trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc giải quyết chính sách tinh giản biên chế, nghỉ hưu thôi việc theo nguyện vọng cá nhân và hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND quận đã tiếp nhận 753 ý kiến, đề xuất của người dân, UBND phường đã tiếp nhận 1216 kiến nghị, đề xuất của người dân và tỷ lệ giải quyết trên 91%.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Tuy nhiên, UBND quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách dẫn đến hạn chế tính chủ động trong việc chi thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh như dịch bệnh, thiên tai...

Theo ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), trong mô hình chính quyền đô thị, phường trở thành cấp dự toán nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

“Dịch sốt xuất huyết vừa rồi, phường hỗ trợ trạm y tế phường hơn 1 triệu đồng thôi nhưng khi lên kho bạc kê khai thì kho bạc từ chối. Kho bạc cho rằng việc này phải ghi vào danh mục chi là y tế chứ không được ghi vào mục chi khác. Cái khó là mục y tế TP Đà Nẵng duyệt chi 10 triệu đồng/1 năm”, ông Dũng dẫn chứng.

Cần phát huy tính ưu việt của mô hình

Trước thực trạng trên, các UBND quận, phường kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung về ngân sách của quận và phường vẫn là một cấp ngân sách thay vì đơn vị dự toán để chủ động hơn trong điều hành chi tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cần nghiên cứu nên có cơ chế riêng khi giao chỉ tiêu ngân sách vì hiện nay địa phương chủ yếu vướng về vấn đề tài chính từ điều hành của UBND, đầu tư xây dựng, xử lý những cái lắt nhắt như cơ sở vật chất, hạ tầng của phường và quận như con mương hư, cái cây ngã, đường hỏng… Những việc đó không thể dự trù hết mà ngân sách hạn chế thì hoạt động rất khó. Muốn làm gì cũng phải trình và đợi, đợi có thì mới làm được mà không có thì thôi. Vậy nên, cần có cơ chế mở ra cho quận có nguồn ngân sách hoạt động như an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…”, ông Hòa nói.

Bên cạnh đó, đại diện UBND quận Liên Chiểu đề xuất, hiện một số phường (Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc…) địa bàn rộng, dân số đông, trong khi biên chế bố trí theo định mức nên khó khăn trong công tác quản lý. Quận kiến nghị thành phố xem xét, cho chủ trương sắp xếp để nâng từ 5 phường lên 7 phường, nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và triển khai tốt các nhiệm vụ. Ngoài ra, các quận cũng kiến nghị thành phố ủy quyền cấp quận quyết định chủ trương đầu tư các dự án dưới 15 tỉ đồng do quận quản lý, điều hành.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, mục tiêu của chính quyền đô thị là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước nhưng phải bảo đảm các quy định của pháp luật, sự giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị vừa qua

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất trong quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị là khâu dự toán. Vì vậy, Sở Tài chính Đà Nẵng phải làm việc trực tiếp với các địa phương để xây dựng dự toán ngân sách cụ thể trên tinh thần bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị và các vấn đề phát sinh.

Sở Tài chính xây dựng “tiêu chí cứng” để căn cứ phân bổ ngân sách nhưng cần cập nhật những đề án của địa phương thực hiện và những đề án do sở, ngành triển khai có liên quan đến địa phương. Sở Tài chính nên dành phần dự phòng ngân sách, đồng thời có cơ chế khuyến khích các địa phương có nguồn thu cao để tạo động lực cho địa phương tăng thu cũng như khẳng định vai trò của quận, phường trong công tác thu ngân sách.

Tin cùng chuyên mục