Đà Nẵng: Lá chắn thép trong phòng chống dịch Covid-19

Siết chặt vòng ngoài, nới lỏng, giãn cách bên trong là chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang được Đà Nẵng áp dụng. Trong đó, khóa chặt đường mòn, lối mở và kiểm soát tốt từng người, phương tiện ra vào tại 12 chốt kiểm soát cửa, ngõ đã tạo nên một lá chắn phòng dịch hiệu quả, để cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.
Các chiến sĩ CSGT, Công an TP Đà Nẵng căng mình làm nhiệm vụ trên các tuyến đường
Các chiến sĩ CSGT, Công an TP Đà Nẵng căng mình làm nhiệm vụ trên các tuyến đường

Quét mã QR code kiểm soát người ra vào TP Đà Nẵng

Những ngày này, lộ trình của ông Phan Hải (trú Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) phải dừng lại tại 2 điểm, trong đó có chốt kiểm soát dịch Covid-19 mới được thiết lập trên đường Quốc lộ 1A (gần Trạm CSGT Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Là ngư dân có tàu neo đậu Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trong những ngày dịch bệnh, việc thường xuyên ghé các trạm kiểm soát đã trở nên quen thuộc với ông Hải, bởi tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đều triển khai các chốt kiểm soát y tế đối với người các địa phương khác đến địa bàn.

"Đà Nẵng tái lập các chốt kiểm soát là rất cần thiết, nhất là khi tình hình dịch bệnh ở thành phố đã được kiểm soát. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả", ông Hải nói.

Thùng máy quét QR code khai báo y tế là sáng kiến của TP Đà Nẵng và tự lắp ráp, áp dụng cho địa phương

Rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, người dân không còn phải khai báo y tế theo cách truyền thống. Một khối lượng lớn công việc được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng qua ứng dụng eTicket. Ứng dụng này sẽ quét, kiểm tra mã QR Code. Mã QR Code được cung cấp ngay sau khi người dân hoàn thành khai báo y tế qua các phần mềm khai báo online.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Vân, tình nguyện viên tại chốt kiểm soát cho biết, đợt dịch trước thì chúng tôi thực hiện khai báo y tế qua giấy, đợt này khai báo y tế qua ứng dụng thì rất tiện.

“Tôi chỉ giải thích đối với những mục điền nào mà người dân khi khai báo y tế không hiểu, phân vân. Điển hình như người dân nên điền thông tin địa chỉ tạm trú hay địa chỉ thường trú như trên sổ hộ khẩu”, bạn Vân cho hay.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Vân thực hiện quét mã QR Code cho người dân, sau khi họ khai báo y tế

Với các trường hợp sử dụng điện thoại thông minh và chủ động khai báo y tế điện tử trước đó, khi vào điểm chốt chỉ mất vài giây cho thao tác trên quét mã QR Code. Chỉ cần khai báo lần đầu tiên và chụp màn hình để lưu giữ mã QR Code và tiếp tục sử dụng thông hành qua các chốt khác trên địa bàn. Đây cũng chính là một trong những ưu điểm nổi bật.

CSGT Hòa Phước kiểm tra giấy tờ cùng việc phòng chống dịch Covid-19 các hành khách trên xe

Theo Trung tá Trương Ngọc Chiến, Trưởng trạm kiểm soát dịch Covid-19 trên tuyến Quốc lộ 1A (gần Trạm CSGT Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nơi giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, đơn vị tăng cường kiểm soát các chốt chặn là cửa ngõ ra vào TP Đà Nẵng. Xác định nhiệm vụ kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 là trọng tâm, ngoài ra phối hợp với công an địa phương đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác của ngành.

“Lực lượng chúng tôi xung kích trên mọi mặt trận. Trong đó, đơn vị có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, sai phạm... để giữ gìn sự bình yên của người dân thành phố”, Trung tá Chiến cho hay.

Kiểm soát đường mòn, lối mở

Khu vực nghĩa trang Gò Cà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từng là điểm nóng, liên tục phát hiện nhiều trường hợp trốn khai báo y tế, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa phận Đà Nẵng. Đa phần, các đường tiểu ngạch này nằm rải rác ở nhiều xã vùng ven, xa khu dân cư. Ý thức được vấn đề đó, trong đợt dịch này, hầu hết người dân ở đây đều nêu cao tinh thần tố giác khi phát hiện trường hợp người lạ vào địa phương.

Theo ông Ngô Toa (trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nếu có khách lạ đến đi đường này, ông sẽ nhắc nhở họ đi đường chính. Nếu họ không đồng ý thì trình báo chính quyền và công an đến làm việc.

Lực lượng chức năng tuần tra khu vực nghĩa trang Gò Cà

“Lâu lâu có 1-2 người đi qua, tôi cũng báo công an rồi. Vì ở đây có một con đường tắt, trên nghĩa địa cũng có một con đường tắt đi quanh trạm chốt kiểm dịch”, ông Toa chia sẻ.

24 đường mòn giáp ranh Đà Nẵng – Quảng Nam, được bàn giao cho công an tại xã, phường quản lý, chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn. Tuy không thiết lập các chốt cố định, nhưng lực lượng công an xã, phường phối hợp tổ Covid – 19 cộng đồng thường xuyên tuần tra và vận động quần chúng nhân dân tham gia, nhằm kiểm soát chặt địa bàn giáp ranh.

Lực lượng chức năng hỏi thăm người dân sống khu vực gần đó

Để kiểm soát chặt chẽ tuyến ranh giới, không cho mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn, Thiếu tá Đặng Duy Tân, Trưởng Công an xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, lực lượng công an xã cũng khuyến cáo và đề nghị người dân khi phát hiện những trường hợp di chuyển vào thành phố, cố tình trốn tránh không khai báo y tế thì hãy báo ngay cho công an xã. Công an xã sẽ bố trí ngay lực lượng để giải quyết, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân địa phương đã nhận thức rất cao về công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi có những người lạ mặt xuất hiện tại địa phương, ngoài lực lượng chức năng phát hiện, người dân khu vực cũng kịp thời phát giác báo ngay lực lượng chức năng”, Thiếu tá Đặng Duy Tân cho biết.  

Tin cùng chuyên mục