Đà Nẵng: Hướng đến nền kinh tế không tiếp xúc

Nhà tổ chức sự kiện, công ty tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm và người tham quan chỉ cần ngồi tại nhà với 1 thiết bị có kết nối mạng thì đã có thể tham gia một sự kiện kết nối, giao thương hoàn toàn không tiếp xúc.
Giải pháp VrFairs - nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (VietSolutions)
Giải pháp VrFairs - nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (VietSolutions)

Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động triển lãm hội chợ gần như đình trệ trong 2 năm gần đây. Do đó, các giải pháp như VrFairs - nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo sẽ là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp khởi động lại các hoạt động kết nối giao thương, góp phần phục hồi sản xuất và đón đầu xu hướng của nền kinh tế không tiếp xúc trong thời gian tới.

“Lối thoát” cho các hội chợ, triển lãm

Anh Trịnh Công Quang (SN 1992, tốt nghiệp ngành Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) thu gom kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại ngân hàng và một công ty công nghệ thông tin, anh đã tự xây dựng công ty về giải pháp chuyển đổi số. Trong đó nổi bật gần đây với giải pháp VrFairs - nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo.

Mọi hoạt động hội chợ triển lãm được ảo hóa, nhà tổ chức sự kiện, công ty tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm và người tham quan chỉ cần ngồi tại nhà với 1 thiết bị có kết nối mạng thì đã có thể tham gia một sự kiện kết nối, giao thương hoàn toàn không tiếp xúc.

Chức năng mô phỏng của VrFairs

Theo anh Quang lý giải, VrFairs là nền tảng chuyển đổi số hoạt động triển lãm, hội chợ, sự kiện trên không gian mạng ứng dụng các công nghệ: VR, AR, AI, 3D và Blockchain.

Giải pháp này cung cấp công cụ cho phép tương tác nhóm và tương tác 1:1 giữa các bên tham gia như chat, video call, livestream, webinar… với VrFairs Meet hoặc Zoom, Gmeet. Ngoài ra, nền tảng còn cung cấp công cụ đăng tải nội dung số như: tài liệu, hình ảnh, video, website… dưới tất cả các định dạng thông dụng từ bất cứ nguồn lưu trữ nào.

“Không chỉ tham gia một cách bị động, người tham gia có thể tương tác với ban tổ chức, khách hàng trên toàn cầu thông qua tài liệu trực tuyến, hội nghị truyền hình, livestream, chat, video call. Tích hợp bản đồ điều hướng, người tham gia có thể ghé thăm gian hàng để xem thông tin, đánh giá gian hàng, đặt lịch họp, mua sản phẩm, liên hệ với gian hàng”, anh Quang giải thích thêm.

TS Trịnh Công Duy, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đánh giá, theo một số nghiên cứu, khách hàng sẽ có sự phân hóa trong nền kinh tế không tiếp xúc với 4 phân khúc khác nhau, gồm: phân khúc trải nghiệm mua sắm thực tế ảo; nhóm khách hàng muốn mua sắm trực tiếp, nhưng không tiếp xúc; mua sắm qua sàn thương mại điện tử; nhóm khách hàng muốn trải nghiệm ảo và không cần rời khỏi nhà. Giải pháp VrFairs là một trong số ít giải pháp công nghệ Việt Nam sẵn sàng đón đầu cơ hội của nền kinh tế không tiếp xúc mang lại.

Xây dựng cơ sở dữ liệu

Đề cập nền tảng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ở lĩnh vực công thương, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số TP Đà Nẵng nhìn nhận, Sở Công thương Đà Nẵng là một trong những đơn vị ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính, luôn đạt hơn 70 điểm, xếp loại khá; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt rất cao với hơn 90% hồ sơ. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 81%, còn lại là dịch vụ công trực tuyến mức 3. Các đơn vị thương mại trong ngành công thương cũng tích cực số hóa bằng hình thức thương mại điện tử, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Áp dụng mã QR khi vào chợ, siêu thị

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại là yêu cầu cấp thiết. Cụ thể, ngành đã lên kế hoạch phát triển thương mại điện tử TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 bằng cách kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử với các nhà sản xuất, phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; nâng cấp sàn giao dịch; tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tuyến; xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động kinh doanh…

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương với trung tâm thương mại, siêu thị...

Trước mắt, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương phục vụ chuyển đổi số như xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng đạt chuẩn; các nhà phân phối/doanh nghiệp thương mại; các số liệu về thương mại nội địa, xuất nhập khẩu.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tổ chức một số hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn về chuyển đổi số như mở lớp tập huấn về marketing Digital, hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến và trực tiếp, giới thiệu doanh nghiệp tham gia trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Danangtrade...

Tin cùng chuyên mục