Đà Nẵng: Hơn 81% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề

TP Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân theo hướng vừa đào tạo nghề, vừa thực hiện trên mô hình sản xuất, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đó là các mô hình trồng nấm, trồng hoa, mây tre đan, đào tạo thuyền trưởng... Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,15 %.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Ngày 19-5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về khảo sát kết quả 10 năm triển khai Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư trên địa bàn.  

Theo đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đoàn Xuân Hiếu cho biết, từ năm 2012 đến nay, có 28 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trực tiếp sản xuất, đã tuyển sinh 9.063 học viên, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.

TP Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân theo hướng vừa đào tạo nghề, vừa thực hiện trên mô hình sản xuất, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đó là các mô hình trồng nấm, trồng hoa, mây tre đan, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 81,15 %.

Tại TP Đà Nẵng, lao động nông thôn tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và các phường ven biển. Thực tế, người nông dân rất ngại đi xa để học nghề. Hiện, 2 trường nghề thuộc thành phố đã sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

Theo quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm không được dạy nghề sơ cấp. Vì vậy, cả huyện Hòa Vang không có đơn vị dạy nghề nào được phép đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lợi ích sau khi đào tạo nghề chưa được cụ thể nên tính thu hút vẫn chưa cao. 

Đà Nẵng: Hơn 81% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề ảnh 1 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, hiệu quả hoạt động của các trường nghề chưa cao, không chỉ của TP Đà Nẵng mà của Trung ương.

Ví dụ như trường nghề của Hội Nông dân Việt Nam (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bây giờ phải sử dụng vào mục đích khác chứ không tuyển sinh được mà cũng không làm gì được; Trường Trung cấp nghề của Bộ LĐ-TBXH (đường Âu Cơ, quận Liên Chiểu) phát huy hiệu quả cũng không tốt lắm. Kể cả những bất cập về mặt chính sách, sáp nhập 2 đơn vị dạy nghề vào Trung tâm Dịch vụ việc làm thì một chức năng không được đào tạo nghề sơ cấp, một bên thì không được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp.

Lao động tại làng hoa Dương Sơn Đà Nẵng (xã Hòa Châu, TP Đà Nẵng)
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của TP Đà Nẵng về triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW trong 10 năm qua, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt khá cao, bảo đảm yêu cầu Chỉ thị số 19-CT/TW đặt ra.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, vấn đề quan trọng là phải nâng cao nhận thức của người học, đào tạo nghề phải gắn với xã hội học tập và áp dụng công nghệ thông tin và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW.

Trên cơ sở các kiến nghị của TP Đà Nẵng, đoàn công tác sẽ tập hợp, tổng hợp để đưa vào dự thảo trình Trung ương xem xét, có định hướng về ban hành chỉ thị mới trong thời gian tới sau khi có hội nghị tổng kết toàn quốc về Chỉ thị số 19-CT/TW. 

Tin cùng chuyên mục