Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng quản lý, đăng ký thực phẩm

Chiều 25-8, trước tình trạng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% nhân lực.

Thành lập siêu thị di động cung ứng cho người dân
Thành lập siêu thị di động cung ứng cho người dân

Ngành chức năng Đà Nẵng cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) được hoạt động; phối hợp đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.

Sở Công Thương tiếp tục tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân.

Liên quan đến việc tiêm vacine Covid-19 cho các shipper phục vụ trong thời gian giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”, Sở Y tế đã có công văn khẩn điều chuyển nhóm đối tượng tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca theo kế hoạch số 3938/KH-SYT ngày 22-8 của Sở Y tế từ nhóm lực lượng công an sang nhóm shipper giao hàng qua ứng dụng công nghệ thuộc quản lý của Sở GTVT.

Đồng thời, đề nghị Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan làm đầu mối lập danh sách tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca cho nhóm shipper giao hàng qua ứng dụng công nghệ. Tổng số lượng dự kiến tiêm là 1.000 người.

Sở GTVT đã cung cấp danh sách xe máy có ứng dụng công nghệ tham gia vận chuyển giao nhận hàng hoá phục vụ người dân.

Theo đó, 5 công ty được Sở GTVT đăng ký, cụ thể như: Công ty TNHH GRAB (ứng dụng Grab); Công ty Cổ phẩn GOFAST (Ứng dụng Now); Công ty Cổ phẩn Dịch vụ Tức Thời (Ứng dụng AhaMove); Công ty Cổ phẩn Lozi Việt Nam (Ứng dụng Loship); Công ty TNHH Fastgo Việt Nam (Ứng dụng Fastgo).

Cùng ngày, Sở TT-TT Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng quản lý, đăng ký thực phẩm nhằm góp phần thuận lợi, tiết kiệm công sức của cán bộ cơ sở, giúp rút ngắn thời gian đăng ký và mua, giao lương thực, thực phẩm.
Mục đăng ký thực phẩm của người dân trên  Tổng đài 1022

Để đăng ký thực phẩm, người dân có thể vào “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” trên Zalo chọn “Đăng ký thực phẩm” hoặc vào http://dkthucpham.danang.gov.vn.

Với quản lý, tổng hợp của tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành cung ứng lương thực: http://dkthucpham.danang.gov.vn/index.php. Tài khoản sử dụng của tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành cung ứng lương thực của phường sẽ được Sở TT-TT cung cấp trực tiếp cho đầu mối triển khai của các phường.

Để sử dụng ứng dụng này, tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành liên hệ phòng Quản lý vận hành ứng dụng (0236 383 1022) để cung cấp thông tin, tạo tài khoản trên ứng dụng và được hướng dẫn sử dụng.

Sau khi quyết định sử dụng, tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư thông báo cho người dân, hộ dân chính thức sử dụng, đăng ký mua lương thực, thực phẩm (của nhà cung cấp lương thực, thực phẩm mà tổ, ban điều hành đã chọn, hợp tác). Sau đó người dân, hộ dân đăng ký mua lương thực, thực phẩm trên ứng dụng (qua Zalo hoặc website).

Tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu dân cư định kỳ vào ứng dụng để lấy danh sách tổng hợp mà người dân, hộ dân đã đăng ký (ứng dụng đã tổng hợp tự động). Tổ dân phố, ban điều hành rà soát danh sách và gửi đến nhà cung cấp lương thực, thực phẩm mà tổ, ban điều hành đã chọn, hợp tác.

Trưa 25-8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định bổ sung và điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch. Sau khi xác định rõ nguy cơ, TP Đà Nẵng thiết lập 3 vùng đỏ, vàng, xanh theo nguy cơ dịch bệnh và thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với từng vùng, cụ thể:

Vùng đỏ là những địa bàn có mức độ nguy cơ rất cao sẽ áp dụng cách ly tuyệt đối ít nhất 14 ngày.

Vùng vàng là những địa bàn có mức độ nguy cơ và nguy cơ cao, tiếp tục áp dụng biện pháp thực hiện dừng tất cả hoạt động, "ai ở đâu thì ở đó" đồng thời bổ sung, điều chỉnh một số hoạt động mà người dân được phép tham gia kể từ 8 giờ ngày 26-8 đến 8 giờ ngày 5-9.

Cụ thể như, hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini) được bố trí tối đa 100%  nhân lực.

Các hoạt động cơ quan công sở tiếp tục bố trí tối đa 10% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp) và thực hiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ). Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và thực hiện từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 26-8. Phải có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính với virus SARS-CoV-2 theo quy định; đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất bố trí tối đa 30% số người làm việc; đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ". Trong trường hợp cần thiết phải thay đổi người làm việc, Giám đốc/chủ cơ sở, nhà máy sản xuất quyết định và thực hiện việc thay đổi này từ 5 giờ đến 9 giờ ngày 26-8.

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện quyết định này thì bố trí tối đa 3 người/mỗi đơn vị để xử lý công việc cần thiết liên quan đến các thủ tục hành chính.

Công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động theo danh mục do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định, phải đảm bảo điều kiện thực hiện "3 tại chỗ".

Đối với những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper) đảm bảo các điều kiện sau: Thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ, đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19; thực hiện xét nghiệm PCR định kỳ 3 ngày/1 lần; đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch theo quy định; thực hiện 5K; thường xuyên mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, khẩu trang đạt chuẩn, kính chống giọt bắn, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn mang theo khi tham gia hoạt động.

Các hoạt động quan trọng và cấp thiết khác do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hoặc Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.

Vùng xanh là những địa bàn có mức độ nguy cơ thấp do Chủ tịch UBND quận, huyện quyết định thiết lập khi 14 ngày liên tục không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Cụ thể, vùng xanh theo quy mô cấp phường, xã áp dụng các biện pháp theo quy định tại Chỉ thị 05. Trường hợp phát sinh ca bệnh Covid-19, căn cứ hướng dẫn của ngành y tế, quyết định chuyển sang vùng vàng hoặc vùng đỏ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng.

Vùng xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã áp dụng các biện pháp theo quy định như đối với vùng vàng để bảo vệ vùng xanh, không để có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục