Đà Nẵng dự kiến chuyển đổi trạng thái giãn cách xã hội

Ngày 1-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng (Ban Chỉ đạo) cho biết, cho đến nay, TP Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch, trong hai ngày qua không có ca mắc Covid-19 mới nào.

Theo đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo đã có cuộc họp thảo luận, đánh giá tình hình dịch và bàn một số biện pháp chuẩn bị thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đà Nẵng dự kiến chuyển đổi trạng thái giãn cách xã hội ảnh 1 Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện giảm tần suất người dân đi chợ. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ban Chỉ đạo nhận định, nếu tình hình tốt dần, trong vài ngày tới sẽ tổ chức xét nghiệm cho đại diện của gần 60.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Nếu kết quả xét nghiệm không có ca mắc mới nào trong cộng đồng thì dự kiến từ ngày 5-9, toàn TP Đà Nẵng sẽ chuyển đổi trạng thái, nới lỏng các quy định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển đổi trạng thái không diễn ra ngay lập tức mà sẽ từng bước nới lỏng quy mô, mức độ hoạt động. Trong đó vẫn yêu cầu bắt buộc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như việc người dân hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết; bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện công cộng...

Yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m khi tiếp xúc; không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…

Ban chỉ đạo TP Đà Nẵng dự thảo quy định về các biện pháp thực hiện phòng, chống dịch nhằm cụ thể hóa các nội dung theo tinh thần Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với tình hình của địa phương và lấy ý kiến các sở ngành, địa phương đóng góp.

Dự thảo tiếp tục dừng một số hoạt động trong giai đoạn đầu như: Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện, đám hiếu, đám hỉ,... tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, phòng tập gym, tập yoga, hoạt động thể thao trong nhà chưa được mở cửa trở lại. Hoạt động ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, quán ăn vẫn tiếp tục dừng, chỉ cho phép bán mang đi.

Việc vận tải hành khách bằng xe buýt nội thành và liên tỉnh, tuyến xe liên tỉnh cố định, xe điện, vận tải khách đường thủy nội địa và hoạt động tắm biển vẫn tiếp tục dừng đến khi có thông báo mới.

Hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường học, các cơ sở giáo dục cũng tạm ngừng. Các trường học phổ thông tiếp tục thực hiện việc dạy trực tuyến ôn lại kiến thức cho học sinh trong thời gian đầu sau ngày khai giảng năm học mới. 

Dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú tại các khách sạn, nhà khách, cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, các công ty lữ hành cũng được yêu cầu hạn chế với quy định cho phép không quá 50% công suất.

Đối với hoạt động của trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cảng cá cũng yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch. Riêng các chợ vẫn tiếp tục thực hiện giảm tần suất người đi chợ theo phiếu quy định cho đến khi có thông báo mới.

Các hoạt động khác được hoạt động trở lại nếu đủ điều kiện và phải có cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch theo quy định.   

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các quận, huyện tiếp tục củng cố, phát huy vai trò trách nhiệm hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng tại các khu dân cư, đề xuất về chế độ chính sách đối với lực lượng này để thành phố quyết định.

Tin cùng chuyên mục