Đà Nẵng cấp tập chằng chống nhà cửa chạy bão số 4

Ngày 26-9, trước nhận định bão số 4 (bão Noru) là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, công tác ứng phó bão được lực lượng chức năng tại TP Đà Nẵng triển khai từ sớm và vẫn đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện.
Các hoạt động diễn ra hết sức khẩn trương
Các hoạt động diễn ra hết sức khẩn trương

Theo ghi nhận, trong sáng nay, các cán bộ chiến sĩ công an phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã có mặt ở bãi biển, khu vực nguy cơ cao để giúp người dân chuyển ngư cụ, thuyền thúng đến nơi an toàn…

>>> Video lực lượng địa phương phường Nại Hiên Đông hỗ trợ người dân
Người dân đưa thuyền thúng lên bờ biển
Tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), trước thông tin bão Noru, các lực lượng chức năng đi tuyên truyền vận động thanh niên chằng chống nhà cửa trước khi bão vào.
Với 70 hộ dân khoảng 210 nhân khẩu, ông Huỳnh Văn Nhật, tổ trưởng tổ dân phố khu Làng Vân cho biết, khu vực này chủ yếu người già sống neo đơn, không có gia đình. Trong tình hình khẩn cấp, các lực lượng trực bão sẽ hỗ trợ đưa bà con đến nơi trú bão. 
Đà Nẵng cấp tập chằng chống nhà cửa chạy bão số 4 ảnh 2 Lực lượng chức năng, vận động khoảng 10 người già neo đơn đến nơi an toàn
Tương tự, bất chấp thời tiết thất thường, cán bộ chiến sĩ phường Thuận Phước (quận Hải Châu) đến từng nhà, vận động người dân ở khu chung cư xuống cấp đến khu vực an toàn.
Đà Nẵng cấp tập chằng chống nhà cửa chạy bão số 4 ảnh 3 Lực lượng chức năng kiểm tra khu vực nhà ở xuống cấp 
Tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), các chiến sĩ công an gấp rút đến từng nhà hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. 
Đà Nẵng cấp tập chằng chống nhà cửa chạy bão số 4 ảnh 4 Các bao cát được đặt lên mái tôn đề phòng bị bão thổi bay
Đà Nẵng cấp tập chằng chống nhà cửa chạy bão số 4 ảnh 5 Tranh thủ thời tiết vẫn chưa khắc nghiệt, các chiến sĩ công an tiếp tục công việc ngay lúc trưa 26-9
Trong khi đó, nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển TP Đà Nẵng đã huy động nhân viên dọn dẹp bàn ghế, chằng chống cơ sở vật chất trước khi bão số 4 đổ bộ.

Trong sáng cùng ngày, TP Đà Nẵng tiếp tục họp ứng phó với bão số 4. Trong đó, địa phương phấn đấu hoàn thành việc di dời người dân trước 14 giờ ngày 27-9

Theo đó, bão số 4 hiện đã vào biển Đông. Đến 7 giờ ngày 26-9 sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Gần như có thể khẳng định bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Ngãi. TP Đà Nẵng nằm trong vùng rủi ro thiên tai cấp 4.

Tại cuộc họp, lãnh đạo địa phương tập trung trao đổi vấn đề di dời người dân ở nơi nguy hiểm, không an toàn đến nơi kiên cố, an toàn.

Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang, trong trường hợp bão mạnh nhất từ cấp 14 – 17, tổng số di dời 28.442 nhân khẩu, 8.508 hộ. Hiện có 715 công nhân đang tạm trú ở Hòa Sơn, xã sẽ rà soát đưa công nhân đến nơi an toàn.

Quận Sơn Trà dự kiến sơ tán 15.690 người dân với 8.553 hộ đến 31 điểm sơ tán. Quận đã làm việc để trưng dụng một số khách sạn để làm sơ tán.

Các hộ dân dự án cuối tuyến Bạch Đằng Đông (58 hộ/257 khẩu) có Trường Phạm Ngọc Thạch phục vụ sơ tán. Dự kiến sẽ di dời 600 ngư dân trong các tàu, thuyền lên bờ vào ở tại Trường THCS Lý Tự Trọng và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thọ Quang).

Quận Hải Châu dự kiến sơ tán tập trung 1.910 người, sơ tán tại chỗ 3.033 người; quận Thanh Khê di dời 6.138 người.

Đặc biệt, quận Liên Chiểu là khu vực có nhiều khu công nghiệp, các trường đại học cao đẳng vì vậy có rất đông sinh viên, người lao động. Quận dự kiến sẽ sơ tán khoảng 26.000 người dân. Trong đó, sơ tán tập trung 10.900 người, còn lại là sơ tán tại chỗ.

Để đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho các điểm sơ tán, các vùng có nguy cơ bị chia cắt, cô lập do bão lũ, UBND các quận, huyện, nhất là quận Liên Chiểu đã liên hệ với các cơ sở buôn bán lương thực, thực phẩm (gạo, nước, mì tôm…) chủ động huy động lương thực thực phẩm khi cần.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã có phương án cung ứng hàng hóa cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 4 (bị cô lập, chia cắt; thuộc diện sơ tán). Đồng thời, đề nghị Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các quận, huyện, Sở ngành phải coi phòng chống bão số 4 là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất thời điểm hiện tại. Dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để phòng chống bão. Tập trung hỗ trợ di dời, sơ tán người dân. Việc tổ chức di dân phải đúng đối tượng, đúng thời gian. Phấn đầu hoàn thành sơ tán người dân trước 14 giờ chiều 27-9. Ngoài ra, đảm bảo hậu cần y tế, lương thực thực phẩm cho người dân di dời, người dân trong điểm ngập úng có thể bị cô lập; đảm bảo cung ứng điện cho các vị trí trọng yếu phòng chống bão.

Thành lập Sở Chỉ huy phòng chống bão số 4, trụ sở đặt tại UBND TP Đà Nẵng do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh làm Chỉ huy trưởng. Các địa phương, các ngành 6 giờ/lần cập nhật tình hình triển khai công việc, tình hình bão về Sở Chỉ huy (kể từ 12 giờ trưa 26-9). Việc đột xuất phải báo cáo ngay.

Tin cùng chuyên mục