Đa dạng hoạt động chăm lo tết

Còn gần 6 tuần nữa thì đến Tết Mậu Tuất 2018, tại TPHCM, nhiều chương trình chăm lo tết đã được các cấp ban ngành khởi động. Mong muốn của chính quyền TPHCM là chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo tết đến với mọi người, mọi nhà. 
Khởi động tết sớm
Từ đầu tháng 12-2017, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Gò Vấp (TPHCM) đã tổ chức ngày hội ẩm thực “Xuân yêu thương”, thu hút đông đảo người dân, công nhân, viên chức, người lao động tham gia. Đây là cách LĐLĐ quận kêu gọi mọi người chung tay tạo nguồn quỹ chăm lo dịp tết cho người lao động hoàn cảnh khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, với ý nghĩa sẻ chia, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ngày hội không chỉ là sân chơi mà trở thành nơi mọi người san sẻ yêu thương. Kết thúc ngày hội, các gian hàng tham gia đã tạo được nguồn kinh phí hơn 194 triệu đồng. Từ số tiền này, LĐLĐ dự kiến thuê xe đưa công nhân hoàn cảnh khó khăn về quê đoàn tụ gia đình, trao tặng quà và tạo sân chơi cho những công nhân ở lại TPHCM đón tết xa quê. 
Đa dạng hoạt động chăm lo tết ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn
Tại nhiều khu nhà trọ có đông công nhân sinh sống, các chủ nhà trọ đã khởi động công tác chuẩn bị quà bánh, lên thực đơn cho bữa tiệc tất niên. Những ngày qua, tại khu nhà trọ của bà Lê Thị Thanh Hoa (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) đã rộn ràng khâu chuẩn bị đón tết.
Ngoài tất bật lo hoàn thành công việc ở hội phụ nữ, bà Hoa dành nhiều thời gian để đi mua quà bánh và lên kế hoạch tiệc tất niên cho công nhân trong khu nhà trọ. Những buổi chiều sau khi tan ca, nhiều nữ công nhân qua nhà bà Hoa để cùng bàn chuyện tổ chức tiệc tất niên.
“Cả tuần nay tụi nhỏ bàn chuyện nấu món gì cho lạ mà ngon, rồi gói bánh, làm kiệu vào ngày nào cho phù hợp. Tiệc dành cho tụi nhỏ nên chúng thích thế nào thì tôi làm thế nấy”, bà Hoa cười bảo. Phần bà, từ hơn tháng trước, canh lúc công nhân có ở phòng trọ, bà cầm cuốn sổ xuống từng phòng để hỏi năm nay đứa nào về quê, đứa nào sẽ ở lại TPHCM, rồi cẩn thận ghi vào sổ.
Bà không quên hỏi thăm lý do vì sao không về quê, năm nay lương thưởng thế nào. Đâu chỉ hỏi cho biết, bà nắm danh sách để rồi chủ động đi xin hỗ trợ vé xe về quê cho công nhân khó khăn. Ai khổ quá thì phần quà năm nay bà tính sẽ kha khá hơn. 
Để người người đều có tết
Câu chuyện vé xe về quê được công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Linh Trung (quận Thủ Đức) bàn rôm rả. Chị Nguyễn Thị Huyền (quê Thanh Hóa) vui mừng cho biết, sau 3 năm không về quê, tết này chị và con trai sẽ về thăm cha mẹ nhờ được hỗ trợ vé xe.
Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” là hoạt động thiết thực chăm lo cho người lao động, công nhân xa quê đang làm việc tại TPHCM, do LĐLĐ TP phối hợp cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều năm qua.
Từ chương trình này, mỗi năm có gần 40.000 công nhân được hỗ trợ về quê đoàn tụ cùng gia đình. Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 sẽ có 37.000 vé xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón tết. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP sẽ tổ chức nhiều chương trình cho người lao động ở lại TPHCM. 
Tính đến thời điểm này, công tác chăm lo tết đã được LĐLĐ TP triển khai thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp công đoàn (cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp TP). Theo đó, công nhân khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn là các đối tượng được đặc biệt quan tâm.
Trên tinh thần mọi người lao động đều có tết, dự kiến mức chăm lo thấp nhất là 500.000 đồng/người. Ngoài ra, LĐLĐ TP sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy để 600 gia đình công nhân khó khăn, bệnh hiểm nghèo, mất việc, không có điều kiện về quê được vui xuân cùng lãnh đạo TP. 
Với chủ đề “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”, năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM dự kiến dành hơn 2 tỷ đồng để đi thăm và tặng quà cho cán bộ chi hội, tổ hội, hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc, phụ nữ có đạo, nữ lao động nhập cư không có điều kiện về quê ăn tết, phụ nữ có chồng (con) đang công tác tại biên giới, hải đảo… 
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của đoàn viên thanh niên TP, giáo dục thanh thiếu nhi về truyền thống uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, Thành đoàn TPHCM phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức nhiều chương trình chăm lo tết cho các đối tượng khó khăn.
Cụ thể: các gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, ba má phong trào, người già neo đơn, thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn, thanh niên công nhân, con em công nhân, con em lực lượng vũ trang đang công tác tại các vùng biên giới, biển đảo, thanh niên khuyết tật…
Sẽ có ít nhất 14.000 phần quà (700.000 đồng/phần) được trao tặng; hỗ trợ 4.000 vé xe cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân về quê đón tết; giới thiệu 8.000 việc làm tết; tổ chức ít nhất 50 chuyến bán hàng bình ổn, 20 chương trình văn nghệ phục vụ 30.000 thanh niên công nhân; tổ chức đón giao thừa cùng công nhân tại các khu lưu trú. Dự kiến các hoạt động sẽ bắt đầu từ 17-1 đến cận Tết Nguyên đán.
 1.300 tỷ đồng chăm lo tết
Sở LĐTB-XH đã có tờ trình UBND TPHCM về đề xuất chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ ngân sách để chăm lo cho người có công, người nghèo, diện chính sách, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Theo đó, mức chăm lo thấp nhất là 1,1 triệu đồng/suất và cao nhất là 3 triệu đồng/suất. Dự kiến sẽ dành hơn 520 tỷ đồng từ số tiền trên để chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo và diện bảo trợ xã hội.

Tin cùng chuyên mục