Đa dạng hóa thị trường cho nông sản

Theo Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông báo đóng hàng loạt chợ - cửa khẩu ở biên giới để cách ly, ngăn chặn dịch lây lan.

Nhiều xe chở trái cây, nông sản xuất khẩu ngay lập tức bị ùn tắc tại hàng loạt cửa khẩu lớn, nhỏ ở các tỉnh biên giới phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu.

Đến nay, Trung Quốc đã mở lại một số cửa khẩu chính ngạch tại Móng Cái - Quảng Ninh, Hữu Nghị - Lạng Sơn, Thanh Thủy - Hà Giang… Tuy nhiên, đối với các cửa khẩu tiểu ngạch (vốn là cửa ngõ của nhiều loại nông sản buôn bán, xuất nhập khẩu thông qua cư dân biên giới), cơ bản vẫn chưa được mở lại (ngoại trừ cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn).

Theo cập nhật tình hình mới nhất của Bộ Công thương, tại các cửa khẩu tiểu ngạch, hiện vẫn tồn đọng rất nhiều xe chở nông sản, hàng hóa các loại. Trong đó, cửa khẩu Tân Thanh mỗi ngày chỉ xuất được hơn 10 xe thanh long, dưa hấu trong khi hiện tại đây đang có khoảng hơn 100 xe nông sản chờ làm thủ tục thông quan. Cửa khẩu Hữu Nghị cũng đang tồn hơn 360 xe trái cây các loại từ miền Trung, miền Nam ra.

Sở dĩ tiến độ thông quan khá chậm như hiện nay là do Trung Quốc thiếu lực lượng bốc xếp, còn cơ quan chức năng cũng đang dồn sức chống dịch. Phía Việt Nam, các lái xe cũng ngại đưa hàng qua bên kia vì lo dịch lây lan, phải cách ly.

Trong khi đó, khoảng 2 tuần qua, số lượng xe chở hàng hóa, nông sản lên các cửa khẩu phía Bắc gia tăng mạnh, do sức ép tiêu thụ để giảm thiệt hại và các doanh nghiệp, lái xe nghe ngóng thông tin một số cửa khẩu đã “thông” trở lại.

Thực tế, Bộ Công thương thông báo, hoạt động thông quan mới chỉ có ở các cửa khẩu chính ngạch, dành cho hàng hóa đã có hợp đồng; còn với các loại hàng hóa xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch, không có hợp đồng (như với phần lớn các loại trái cây, nông sản hiện nay) vẫn bế tắc. Mặc dù gần đây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh thông báo, chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý về chủ trương khôi phục từng phần hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới với Việt Nam, nhưng với tình hình dịch vẫn đầy phức tạp như hiện nay, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT xác định, tình hình xuất khẩu nông sản thời gian tới vẫn còn đầy gian nan.

Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải tìm những thị trường mới, miền đất mới - không chỉ cho nông sản, hàng hóa xuất khẩu mà đối với cả nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất, nhất là đối với dệt may, da giày... Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, khó khăn do dịch Covid-19 cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm những thị trường mới. Theo kế hoạch, trong tháng 2, tháng 3, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hàng loạt chuyến đi xúc tiến thương mại tại Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Bộ Công thương cũng đang tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại cho nông sản Việt vào các thị trường khó tính. Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa qua sẽ tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng của Việt Nam vào châu Âu, không còn phụ thuộc một thị trường.

Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ thị trường lớn, rất tiềm năng là Trung Quốc. Tuy nhiên, để làm ăn lâu dài, ổn định, doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào tốt hơn là phải nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm của mình, phải dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, phải chuyển dần sang làm ăn quy củ, có hợp đồng, xuất khẩu chính ngạch, bỏ dần tiểu ngạch… như Bộ Công thương đang khuyến cáo. Nếu được như thế, chúng ta không ngại bất cứ thị trường nào, kể cả thị trường khó tính như EU, và khi đó, chúng ta không còn lo hàng hóa bị trả về, phải ùn ứ do không thông quan được.

Tin cùng chuyên mục