Cứu trợ cần thực chất

Miền Trung gồng mình trong mưa bão, lũ lụt liên tiếp, chứng kiến những gian nan vất vả của người dân nơi đây, tình đồng bào đã thôi thúc người dân cả nước chung tay góp tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu nhanh chóng cứu trợ người dân vùng thiên tai. Sự tiếp sức kịp thời của nhân dân cả nước đã phần nào giúp người dân vùng lũ lụt miền Trung gượng dậy vượt qua lúc đói rét giữa biển lũ ngập chìm. Tấm lòng đùm bọc nhau lúc khốn khó còn gì trân quý bằng!

Bất chấp mưa lũ, đường xa với bao hiểm nguy rình rập, nhiều cá nhân, tổ chức kịp thời đưa tiền và hàng đến tận nơi, trao tận tay người dân vùng lũ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Bình. Câu chuyện những cá nhân trong một thời gian ngắn kêu gọi quyên góp được số tiền lớn ủng hộ đồng bào vùng lũ đã truyền cảm hứng về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc nhau trong hoạn nạn. Hình ảnh những đoàn xe chở hàng cứu trợ từ Nam đến Bắc ùn ùn đổ về xếp hàng dài trên QL1A rồi tăng bo bằng thuyền, bằng ghe để đến người dân vùng ngập lũ miền Trung khiến ai thấy cũng cảm nhận được “hơi ấm” của tình đồng bào cả nước dành cho miền Trung. Báo chí và mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh đẹp về tình tương thân tương ái, đùm bọc khúc ruột miền Trung đang trong cơn hoạn nạn.

Cần phải khẳng định rằng, sự có mặt kịp thời của những đoàn cứu trợ giữa lúc miền Trung đang ngập chìm trong lũ lụt đã tạo nên năng lượng tích cực, đã góp phần lan tỏa mạnh tình người, tình đồng bào trong cộng đồng. Nhưng, việc cứu trợ vùng lũ lụt một cách tự phát, thiếu kinh nghiệm tổ chức, lại không phối hợp với chính quyền địa phương đã làm phát sinh bất cập. Việc có quá nhiều hàng hóa, nhiều người đổ về cùng lúc đã gây tắc đường, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cứu nạn của các cấp chính quyền. Rồi do mỗi đoàn, mỗi cá nhân, tập thể lại có cách trao quà khác nhau, mang tính tự phát đã dẫn đến cảnh lộn xộn. Đã xuất hiện tình cảnh thiếu công bằng khi nhiều nhà dân ở gần đường, gần khu vực tập kết hàng cứu trợ, hay nhà có thuyền, có ghe chủ động ra lấy hàng thì nhận được nhiều hàng cứu trợ. Trong khi đó, phần lớn những hộ dân ở vùng ngập lụt sâu, đời sống khó khăn, thiếu phương tiện đi lại trong lũ lụt thì lại ít nhận được hàng cứu trợ. Thậm chí, hiểm nguy rình rập khi các đoàn cứu trợ tự thuê những phương tiện đường thủy thô sơ, chất đầy hàng hóa để vượt biển lũ chảy xiết. Thiếu kinh nghiệm vượt lũ, thiếu phương tiện cứu sinh, những đoàn cứu trợ đã tự gây nguy hiểm cho mình và thực tế đã có trường hợp lật thuyền, lật ghe khiến lực lượng cứu hộ vốn đã rất vất vả lại càng phải gánh thêm trách nhiệm nặng nề hơn. 

Đó là chưa kể, có những đoàn cứu trợ không hợp tác khi chính quyền bàn cách tổ chức để đảm bảo an toàn, hướng dẫn trao quà đúng đối tượng. Cũng có trường hợp, chính quyền điều tiết những điểm tập kết để tránh trường hợp người cứu trợ nhiều hơn người nhận quà thì bị phản đối và quay phim tung lên mạng xã hội khiến những người làm công tác quản lý địa bàn “đau đầu”. Rõ ràng, việc cứu trợ đồng bào vùng lũ phải được tính toán bài bản, phải có tổ chức chặt chẽ để không chỉ đảm bảo công bằng, minh bạch trong tiếp tế mà còn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và cả người cứu trợ. 

Từ thực tế đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14-5-2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để phù hợp với tình hình mới. Trong khi chờ một nghị định mới được thông qua, Thủ tướng giao UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ,… phối hợp tổ chức, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn đưa được nguồn cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng...

Tin cùng chuyên mục