Cứu tinh của bệnh nhân đột quỵ

Bệnh đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới hiện nay; qua thống kê của các cơ quan chuyên môn, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút có 1 người tử vong. Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm, không loại trừ một ai. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, ở vùng sâu vùng xa ĐBSCL, bệnh đột quỵ đang dần được khắc chế nhờ tâm huyết của TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - gọi tắt Bệnh viện S.I.S Cần Thơ).

Ấp ủ ước mơ từ tuổi thơ

Theo số liệu thống kê, hàng năm tại các tỉnh ĐBSCL có khoảng 10.000 bệnh nhân đột quỵ, đa số chưa được điều trị tốt bởi hơn 90% bệnh nhân đến bệnh viện sau khoảng “thời gian vàng” trung bình là 6 giờ.

TS-BS Trần Chí Cường chia sẻ: “Mỗi phút chờ sẽ giết chết 2 triệu tế bào thần kinh của người bệnh, nếu tiết kiệm được 15 phút thì giảm 4% nguy cơ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân. Do đó, thời gian điều trị đối với bệnh đột quỵ là rất quý báu, càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, từ trước đến nay có nhiều ca bệnh khi vừa tới phòng cấp cứu là phải quay về, vì đã quá trễ; nếu từ Cà Mau chuyển lên TPHCM thì chắc không kịp.

BS Cường tâm sự: “Lòng luôn xót xa khi bệnh nhân đột quỵ chuyển đến bệnh viện trễ giờ vàng. Trong khi TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, hội đủ điều kiện về nhân sự và các yếu tố khác. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi quyết định thành lập Bệnh viện S.I.S Cần Thơ tại đây nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân đột quỵ”. So với các bệnh viện khác tại TP Cần Thơ thì Bệnh viện S.I.S Cần Thơ còn non trẻ, nhưng với sự điều hành của TS-BS Trần Chí Cường, đã tạo yên tâm cho nhiều người.

Quay ngược thời gian vào những năm 2005, ở nước ta chỉ có 3 người thực hiện can thiệp mạch máu não; trong đó 2 BS ở Hà Nội và ở phía Nam là BS Trần Chí Cường. Dấu ấn y khoa đầu tiên trong sự nghiệp của anh khi công tác tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là lấy huyết khối trong não đầu tiên cho 1 ca bệnh ở Bình Dương, từ đó tạo dấu ấn đối với ngành y tế và trong việc can thiệp nội mạch ở Việt Nam.

Sinh ra tại Đồng Tháp, trong ký ức của cậu học sinh nghèo Trần Chí Cường vẫn còn nhớ như in nhiều trường hợp bỗng dưng chết đột ngột. Ở nông thôn, quan niệm dân gian cho rằng bị “trúng gió” hay “trời kêu ai nấy dạ”, nên ngay từ nhỏ, Trần Chí Cường đã ước mơ cứu người. Sau khi tốt nghiệp THPT, Trần Chí Cường thi vào Đại học Y dược Cần Thơ.

Ra trường năm 2000, đến năm 2004, anh tốt nghiệp BS CK 1 chuyên ngành phẫu thuật thần kinh tại Đại học Y dược TPHCM. Sau đó, anh nhận thêm chứng chỉ Thạc sĩ quốc tế về chẩn đoán điều trị can thiệp bệnh lý mạch máu hệ thần kinh (do Đại học Y khoa Bicetre Pháp, Đại học Y khoa Toronto Canada và Đại học Mahidol Thái Lan tổ chức); Chứng chỉ đào tạo chẩn đoán điều trị đột quỵ tại Đại học Y khoa Tennessee (Hoa Kỳ) năm 2009…

Tính đến nay, BS Trần Chí Cường đã thực hiện trên 5.000 trường hợp chẩn đoán điều trị can thiệp nội mạch bệnh lý mạch máu não, tủy ngoại biên sử dụng máy chụp mạch máu xóa nền...

Hàng ngàn bệnh nhân được cứu sống

Bà Trần Kim Ngân (Vĩnh Long), ông Nguyễn Nhật Quang (TPHCM), hay ông Lê Văn Oi (An Giang)… là những bệnh nhân trong số hàng ngàn bệnh nhân đã vượt qua cửa tử khi được Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cấp cứu và điều trị kịp thời.

Khánh thành từ năm 2019, trung bình mỗi năm Bệnh viện S.I.S Cần Thơ khám và điều trị khoảng 100.000 bệnh nhân, phần lớn là đột quỵ, tim mạch; cấp cứu hơn 6.000 bệnh nhân chủ yếu là đột quỵ… Tuy con số này chưa cao, nhưng nếu không có Bệnh viện S.I.S Cần Thơ thì số người tử vong do đột quỵ ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.

Cứu tinh của bệnh nhân đột quỵ ảnh 1 TS-BS Trần Chí Cường giải thích cho bệnh nhân bị đột quỵ những hình ảnh trên phim chụp

Bày tỏ trên trang cá nhân của BS Trần Chí Cường, người nhà của bệnh nhân không giấu được niềm xúc động: “BS Cường nhớ không, ông cụ 90 tuổi đó, giờ đã có thể chống gậy đi lại quanh nhà. Cảm ơn anh và gia đình S.I.S Cần Thơ”; hay một chia sẻ khác: “Các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã phục vụ cho bệnh nhân rất chu đáo, đúng với câu lương y như từ mẫu. Xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể Bệnh viện S.I.S Cần Thơ”.

Một cá nhân khác mong muốn “S.I.S tiếp tục lan tỏa yêu thương và năng lượng đến mọi người. Cái khoảnh khắc mà bệnh nhân hồi phục lại và có hy vọng chữa trị sau khi bị đột quỵ thật là nhiệm màu, không phải ai cũng có may mắn đó”…

Đọc những dòng tâm tình của thân nhân người bệnh, BS Trần Chí Cường không giấu được niềm vui, bởi sự cống hiến của mình đã cứu được cho nhiều số phận vượt qua cửa tử, sống hạnh phúc với người thân, gia đình.

Dấn thân vào y học, BS Trần Chí Cường quan niệm “mạng sống của người bệnh là trên hết”, nên người giàu hay nghèo gì cũng được điều trị, đồng thời sẵn sàng miễn phí vài trăm triệu đồng cho hộ nghèo. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến cấp cứu xong, nhưng không có tiền trả viện phí, BS Trần Chí Cường đã yêu cầu bệnh viện giữ lại để chữa lành bệnh. Trong năm 2020, quỹ từ thiện cho bệnh nhân nghèo của Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã chi hơn 4 tỷ đồng trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn.

BS Trần Chí Cường khẳng định: “Tôi muốn chứng minh vùng sâu, vùng xa, cũng có thể sử dụng công nghệ cao, mà lâu nay ĐBSCL chưa làm được. Đặc biệt là xây dựng thương hiệu về y tế, truyền lửa, truyền cảm hứng để người dân có niềm tin, không phải vất vả và tốn kém chạy lên tuyến trên. Cần thấy rằng, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đang sở hữu công nghệ hàng đầu trên thế giới về chẩn đoán và điều trị đột quỵ, cũng như về chuyên môn. Cụ thể, bệnh viện cũng từng điều trị thành công cho những trường hợp người nước ngoài đến chữa trị”.

Đào tạo và kế thừa

Những năm 2005, điều trị đột quỵ não chỉ có ít bác sĩ, bởi đây là lĩnh vực khó, tỷ lệ tử vong nhiều…, đó cũng là lý do mà ngành này còn thiếu nhân lực. Để hun đúc tinh thần cho các BS, TS-BS Trần Chí Cường đã đẩy mạnh đào tạo, hướng dẫn một số bác sĩ đến từ ĐBSCL, miền Trung, thậm chí ở Lào, Campuchia… kỹ thuật chuyên sâu về thực hành và kỹ thuật cao trong y học.

BS Lê Tương Lai, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau), cho biết: “Sau 4 tháng, tôi tiếp thu rất nhiều về những kỹ năng, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của BS Trần Chí Cường. Bản thân tôi được thực hành khá nhiều, cơ bản có thể chụp chọn lọc những ca não…”.

Từ miền Trung xa xôi, lặn lội về Cần Thơ học tập, Th.S-BS Võ Đăng Nhật, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) chia sẻ: “Bệnh viện S.I.S Cần Thơ là một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước, đáp ứng được chất lượng, nhu cầu của công việc. Sau khóa học nâng cao, tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm cho bản thân, có thể đứng chụp, chẩn đoán, lên kế hoạch để lựa chọn những trường hợp cơ bản điều trị. Ngoài ra, tôi học hỏi được công tác tổ chức để quản lý, thành lập một đơn vị can thiệp mạch não…”.

BS Trần Chí Cường ước mơ, tương lai tới đây sẽ mở rộng S.I.S tại nhiều địa phương khác, để người bệnh đột quỵ không mất khung giờ vàng; trong đó, tập trung cho tim mạch đột quỵ và tim bẩm sinh, những câu chuyện mà từ trước đến nay còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, S.I.S sẽ sản xuất những thiết bị công nghệ cao để phục vụ cho lĩnh vực này. Mong muốn mang đến cho cộng đồng một chất lượng điều trị chuẩn mực, với mức chi phí thấp nhất có thể.

Tôi và BS Trần Chí Cường biết nhau thật tình cờ. Trong cơn đau đầu dữ dội của mẹ tôi, tôi đưa mẹ đến ngay Bệnh viện S.I.S Cần Thơ. Tại bệnh viện, thái độ ân cần, nhã nhặn, những lời dặn dò mộc mạc, ngắn gọn khiến tôi không nghĩ BS mà tôi tiếp xúc là giám đốc của bệnh viện. Những lần sau đó, tôi hẹn gặp anh vì ngưỡng mộ cái tâm, cái tài của anh đóng góp cho y học. Tiếp tôi trong căn phòng làm việc của mình, cũng là nơi ăn ở của anh, anh bộc bạch: “Tôi ăn ở đây, ngủ ở đây, cần gì kiếm tôi cho dễ, vì nếu có ca bệnh nặng, tôi mới kịp thời xử lý, giành lại sự sống cho bệnh nhân”.

Tin cùng chuyên mục