Cựu Giám đốc CDC Hà Nội - chủ mưu vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 thừa nhận hành vi

Trong phần trả lời thẩm vấn, trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận, việc mua bán máy xét nghiệm Covid-19 do bị cáo tự quyết định và chịu trách nhiệm. Bản thân biết rõ đấu thầu không đúng quy định và xin chịu trách nhiệm về việc mình đã làm.

Trưa 10-12, sau khi đại diện Viện kiểm sát (VKS) hoàn tất công bố bản cáo trạng, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố phiên tòa xét xử vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) chuyển sang phần xét hỏi.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị cáo buộc có vai trò chủ mưu trong vụ án này.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội - chủ mưu vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 thừa nhận hành vi ảnh 1 Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trả lời HĐXX. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trước tòa, cựu giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận nội dung cáo trạng về cơ bản là đúng.

Bị cáo Cảm cho biết, đối với gói thầu số 15 về mua máy xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội, do tính cấp thiết về thời gian, bởi thời điểm đó dịch bệnh có tính chất rất phức tạp nên cấp bách tìm máy xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của thành phố. Do vậy, bị cáo quyết định lựa chọn phương thức chỉ định thầu.

Việc chỉ định thầu, bị cáo Cảm nói thông thường có 2 hình thức: rút gọn và thông thường. Gói thầu số 15 được tiến hành theo hình thức thông thường để minh bạch và lựa chọn được thiết bị tốt nhất.

Trước tòa, cựu Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, đây là đại dịch lần đầu tiên xuất hiện, phức tạp, thời gian rất cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội hoàn tất quy trình đề xuất bổ sung thiết bị.

Trước yêu cầu về thời gian, việc đề xuất các thiết bị là cần thiết, trong đó có hệ thống xét nghiệm của Mỹ trị giá 7 tỷ đồng, nhưng về sau cấp dưới của bị cáo Cảm cho biết, hệ thống máy này không xét nghiệm được Covid-19 nên bị cáo rất lo lắng. Bị cáo đã chủ động liên hệ và hỏi các tỉnh về trang thiết bị xét nghiệm và qua giới thiệu nên biết Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), sau đó liên hệ với Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).

Từ đầu, bị cáo Cảm đồng ý phương án mua hệ thống Realtime PCR tự động của Công ty Phương Đông với giá 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi gặp mặt, Tuyền từ chối bán trực tiếp cho CDC Hà Nội.

Cựu giám đốc CDC Hà Nội sau đó được Nhất giới thiệu thêm một vài nơi khác. Kết quả, Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST do Đào Thế Vinh làm giám đốc trúng gói thầu số 15 của CDC Hà Nội, trong đó có hệ thống Realtime PCR tự động giá 7 tỷ đồng.

Ông Cảm nói rằng, quy trình mua sắm thực hiện rất nhuần nhuyễn.

Kết thúc phần thẩm vấn của mình, bị cáo Cảm khẳng định, bản thân nhận thức được với gói thầu 15 phải thực hiện theo quy định thông thường, không rút ngắn. Nhưng thời gian rất gấp, nên bị cáo làm rút ngắn mặc dù thành phố không có quy định, và bị cáo sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Bị cáo nhận thức được sai phạm về quá trình đấu thầu.

Liên quan tới cáo buộc mình được hưởng phần trăm từ việc mua sắm thiết bị, tại tòa, bị cáo Cảm khẳng định điều này hoàn toàn không chính xác, chi tiết hưởng phần trăm chỉ do bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech) khai tại cơ quan điều tra.

Chiều nay, tòa tiếp tục các phần thẩm vấn bị cáo còn lại.

Tin cùng chuyên mục