Cựu chiến binh nâng bước học sinh nghèo

Ông Trần Trung Thực (70 tuổi, ở thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bị nhiễm chất độc hóa học loại 2. Kinh tế gia đình không mấy khá giả, nhưng nhiều năm nay, ông đã tự nguyện bỏ tiền túi đi khắp nơi tìm mua xe đạp cũ, bị hư hỏng về sửa hoàn chỉnh rồi trao tặng cho học sinh nghèo làm phương tiện đến trường.

Thương học trò nghèo

Ông Trần Trung Thực đi bộ đội từ năm 1970 đến 1979, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Ông bị đạn găm vào ngực phải, bị thương ở tay và còn bị nhiễm chất độc hóa học loại 2. Năm 1979, ông xuất ngũ về quê, lập gia đình, sinh được 5 người con. Con đông, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng ông sớm tối lam lũ với nghề nông. Từ năm 1983 đến nay, ông mở tiệm nhỏ sửa xe đạp bên quốc lộ 15 để kiếm thêm thu nhập. “Mấy năm nay, xe đạp càng ngày càng ít, người dân chuyển sang dùng xe đạp điện, xe máy nên công việc của tôi bấp bênh lắm!”, ông Thực chia sẻ.

Nói về việc bỏ tiền túi mua xe đạp cũ sửa tặng học sinh nghèo, ông Thực cho biết: “Hàng ngày, nhiều cháu học sinh gia cảnh khó khăn phải đi bộ đường xa đến trường, nắng nóng, mưa dầm, đều rất vất vả. Nhiều cháu có xe đạp thì đã cũ, có khi trục trặc giữa đường, đưa vào tiệm sửa, xe đã hỏng cả săm lẫn lốp, vậy mà chỉ dám vá săm, còn lốp thì nhờ lót tạm để đi chứ làm gì có tiền thay! Thương các cháu quá nên tôi thường sửa miễn phí, không lấy tiền. Từ đó, tôi nhen nhóm ý định dành dụm, tiết kiệm tiền đi mua xe đạp cũ, mua phụ tùng về sửa sang lại để tặng các cháu học sinh nghèo, giúp chúng có điều kiện đến trường thuận lợi hơn. Tôi bắt đầu thực hiện ý định từ năm 2016”.

Cựu chiến binh nâng bước học sinh nghèo ảnh 1 Ông Thực bên những chiếc xe đạp chuẩn bị tặng học sinh nghèo

Ông Thực nhẩm tính, tới giờ, ông đã tự tay lắp ráp, sửa sang được 150 chiếc xe đạp tặng các cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn ở các xã: Mỹ Lộc, Sơn Lộc, Xuân Lộc, Phú Lộc, Nhân Lộc, Thuần Thiện, thị trấn Đồng Lộc... (giá trị mỗi chiếc từ 400.000-500.000 đồng). Biết việc ông đang làm, cũng có vài người đã liên hệ ủng hộ một phần kinh phí tiếp sức cùng ông trong công việc thiện nguyện này.

Bỏ rượu, thuốc lá để dành tiền

Để có tiền mua xe đạp cũ và phụ tùng, ông Thực đã tiết kiệm bằng nhiều cách. Ông chia sẻ: “Tôi trích tiền phụ cấp chế độ hàng tháng cho người bị nhiễm chất độc hóa học của mình (2 triệu đồng/tháng) và tiền sửa xe hàng ngày. Tôi còn quyết tâm bỏ thuốc lá, bỏ uống rượu, mỗi ngày tiết kiệm được 20.000 đồng. Cứ thế dành dụm, cùng với công sức của mình nữa thì mỗi tháng cũng có được 2 chiếc xe đạp ngon lành cho bọn trẻ”.

Lúc không bận việc gia đình, bất kể mưa hay nắng, ông Thực với chiếc xe máy cà tàng lại rong ruổi khắp các cửa hàng phế liệu, tiệm sửa xe ở Hà Tĩnh, thậm chí lên tận các xã ở huyện miền núi Hương Sơn (cách nhà 70-90km) tìm mua lại các loại xe cũ, xe hỏng bỏ đi, với giá từ 100.000-200.000 đồng, đem về nhà. Sau đó, ông mua thêm các phụ tùng, săm lốp, dầu mỡ, nhông xích mới về để sửa sang, lắp ráp lại.

“Gia đình tôi cũng nghèo nhưng không quá khó, trong khi còn rất nhiều gia đình khác, nhất là các hộ ở gần rừng, điều kiện còn khó khăn hơn, con em họ có nguy cơ thất học. Vì vậy, tôi muốn dùng chút tiền bạc, công sức của mình giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn. Càng giúp được nhiều người, tôi càng cảm thấy vui và hạnh phúc. Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, lại bị căn bệnh tiểu đường hành hạ 10 năm nay, thêm rối loạn tiền đình, đau xương khớp… nhưng tôi vẫn cố gắng tiếp tục nâng bước cho các cháu đến trường”, ông Thực nói.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lộc, nhận xét, việc làm của ông Thực trong nhiều năm qua hết sức ý nghĩa, đầy lòng nhân ái, nhân văn, được mọi người ghi nhận và yêu mến. Bên cạnh đó, ông Thực còn là tấm gương hội viên cựu chiến binh tích cực, xông xáo, nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội và địa phương. Ông Thực xứng đáng được biểu dương và nhân rộng những hành động nghĩa tình.

Tin cùng chuyên mục