“Cướp biển” mới ở Cà Mau

Trước đây bọn trộm chỉ dám lấy lú, ốc, mực… của ngư dân vào ban đêm, thì nay chúng lấy cả lúc thanh thiên bạch nhật trên biển. Ngư dân gọi chúng là “cướp biển”, thay vì gọi trộm như trước. Đó là cách ví von của người dân nơi cửa biển Sào Lưới (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khi nói về việc chuyển hóa từ trộm thành “cướp biển”.
“Nổi sóng” trên biển
Chúng tôi đến cửa biển Sào Lưới (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) để tìm hiểu về tình hình ngư dân bị mất trộm ngư lưới cụ, đúng lúc ghe biển của ông Út Nam (Trần Đình Nam) bị trộm lấy mất lú ngay giữa ban ngày.
Cuộc rượt đuổi giữa hai bên đang “nổi sóng” trên biển. Dù là buổi trưa, trời nắng gắt, nhưng nhiều người vẫn tụ tập phía đầu vàm Sào Lưới hóng tin bắt trộm.
Trong lúc chờ, người dân bấm điện thoại hỏi thăm tình hình nhưng vẫn chưa thấy tin khả quan. Khi có thông tin từ biển báo về, bọn trộm đang chạy vào đất liền, lập tức các thanh niên chạy xuống ghe, nổ máy ra tiếp ứng. Tuy nhiên, sau nhiều giờ rượt đuổi trên biển, đến chiều thì tin báo về làm nhiều người thất vọng, “bọn trộm đã tẩu thoát”.
Kể lại sự việc, ông Út Nam nói: “Ghe tôi đang đánh mực ở khu vực gần bờ, khi kéo lú xong thì cho ghe chạy vào bờ. Lúc khoảng 12 giờ trưa, chúng tôi phát hiện bọn trộm đang rút lú. Tôi chạy ghe ra truy đuổi. Mới đầu, bọn trộm chạy thẳng ra hướng biển, nhưng chạy được một hồi lâu, chúng quay đầu ghe lại định tông thẳng vào ghe của tôi.
“Cướp biển” mới ở Cà Mau ảnh 1 Hai nạn nhân của "cướp biển"  gần đây tại các cửa biển phía Tây, tỉnh Cà Mau
Nhưng khi thấy các ghe phía trong ra tiếp ứng, bọn chúng quay về hướng Đá Bạc. Tôi điện cho người bạn ở Đá Bạc chạy ra. Tổng cộng bên tôi có 5 chiếc ghe đuổi theo bọn trộm, nhưng chỉ có 2 chiếc chạy nhanh đuổi theo, các chiếc còn lại chỉ làm nhiệm vụ tiếp ứng, mỗi chiếc có 3 người. Còn bọn trộm có 2 chiếc, mỗi chiếc từ 7-10 người.
Trong quá trình truy đuổi, bên tôi có 1 chiếc tiếp cận được bọn trộm, nhưng chẳng may đầu máy chết giữa chừng. Chiếc ghe còn lại truy đuổi tới vàm Mỹ Bình (thuộc huyện Phú Tân) thì hết xăng, nên bất lực nhìn bọn trộm ung dung tẩu thoát”. 
Theo ông Út Nam, trong quá trình đuổi bắt trộm, do bị động nên không chuẩn bị trước. Vì vậy, khi đuổi theo bọn trộm “lép” về số lượng, không dám đương đầu trực tiếp trên biển. Sau màn rượt đuổi không thành, phía ông Nam không chỉ bị mất lú mà còn chịu thêm thiệt hại như hư hỏng máy, sửa chữa mất hơn 10 triệu đồng.
Ngoài ra, còn 1 người bị thương ở tay do khi tiếp cận ghe của bọn trộm thì bị chém trúng tay. Rất may vết thương không nặng nên chỉ ra trạm y tế khâu.
Là ngư dân nhiều năm hành nghề ốc mực, ông Nguyễn Văn Giàu (ở cửa biển Vàm Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc) có thể biết được vùng biển ở Cà Mau nơi nào nhiều mực để thả ốc. Tuy nhiên, vùng nào thả ốc an toàn thì ông Giàu “bó tay”.
“Mới đây, vào những đêm tối cuối tháng 3-2018, khi ghe tôi đang thả ốc cách cửa Đá Bạc khoảng 30 hải lý, lúc rút ốc lên vào khoảng 8 giờ sáng thì phát hiện mất đến 5,5 thiên, trị giá khoảng 120 triệu đồng. Tổng số ốc bẫy mực ghe của tôi là 14 thiên, nhưng mất như vậy thì không đủ để làm tiếp nên phải cho ghe vào bờ. Sau đó, vay mượn tiền để mua bù và cho ghe ra khơi lại”, ông Giàu bức xúc kể.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Đào Văn Bắc (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) than: “Mới hơn 1 tháng qua, tôi mất hơn 30 cái lú. Còn trước Tết Nguyên đán cũng mất như vậy. Trước đây còn báo công an, nhưng sau này thì không báo nữa, bởi bị mất thường xuyên quá.
Dù tình hình mất trộm như vậy nhưng chúng tôi vẫn phải ra biển vì chẳng còn nghề nào khác để làm. Tuy nhiên, mỗi khi cho ghe thả lú xuống biển thì ăn ngủ không yên. Bọn trộm bây giờ tung hoành khiếp quá”.
Biến thành “cướp biển”
Những ngư dân ở các cửa biển phía Tây của tỉnh Cà Mau cho biết, việc bị trộm ngư lưới cụ thường xuyên xảy ra trên biển. Kể về chuyện này, lão ngư dân Trần Văn Phát (nhà ở cửa biển Sào Lưới) ngán ngẩm: “Hiện nay ngư dân ở đây bị trộm xảy ra như cơm bữa. Khi bọn trộm lấy lú, ốc thì nó lựa toàn loại mới, vì lấy loại mới bán được giá.
Ở đây, có người bị trộm mà bỏ nghề luôn. Như gần nhà tôi có cháu Hai Sơn, gia đình nghèo nên được người bà con cho mượn tiền mua ghe máy hành nghề lú mé. Tuy nhiên, khi thả lú xuống biển thì bị trộm lấy, không phải 1 mà đến 3 lần nên đổ nợ. Do đó cháu phải bỏ nghề, chạy lên Bình Dương làm thuê”.
Theo ông Phát, tình trạng mất ngư lưới cụ đã diễn ra nhiều năm, chỉ có điều lúc nào nhiều hay ít mà thôi. “Cách đây 3-4 năm, công an bắt được một số đối tượng trộm lú trên biển nên tình hình sau đó có phần lắng dịu. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng trở lại đây thì bùng phát trở lại và càng trắng trợn, manh động hơn trước.
Trước đây, trộm chỉ diễn ra vào ban đêm, còn nay thì mất trộm diễn ra cả ban ngày, cho nên ngư dân chúng tôi gọi chúng là “cướp biển”. Chúng đã chuyển hóa từ trộm thành… “cướp”, ông Phát ví von.
Theo các ngư dân, bọn “cướp biển” thường không đi đơn lẻ mà có tổ chức. Chúng đi “ăn hàng” bằng phương tiện vỏ composite, trang bị máy có công suất lớn, chạy với tốc độ “xé gió” trên biển. Vì vậy, khi bọn “cướp biển” trộm ngư lưới cụ, ngư dân nếu có phát hiện thì chúng thản nhiên bỏ chạy. Nếu có đuổi theo cũng khó mà kịp.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Công an xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết: Gần đây, công an đã tiếp nhận nhiều vụ trình báo của chủ tàu về việc bị mất trộm ngư lưới cụ trên biển. Những tháng đầu năm đã có 6 vụ mất trộm, chưa tính các vụ chủ tàu không trình báo.
Hiện lực lượng công an xã chưa được trang bị phương tiện để đấu tranh với loại tội phạm này. Vì vậy, công an xã đã trao đổi với Đồn biên phòng Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) để chỉ đạo thành lập tổ giải quyết tình hình trên. Bên cạnh đó, Công an xã đã báo cáo lên Công an huyện Trần Văn Thời có kế hoạch triệt xóa loại tội phạm này”.

Tin cùng chuyên mục