Cương quyết giữ 3,5 triệu ha đất lúa

Giữ đất lúa không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là bảo vệ hệ tài nguyên đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. “Bởi vậy chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Quỹ đất trồng lúa này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau, chứ không phải chỉ riêng trồng lúa”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải trình tại phiên thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải trình tại phiên thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)

Sau 27 ý kiến ĐBQH tại hội trường và các điểm cầu trên toàn quốc chiều 30-10, Bộ trưởng Bộ TN-MT đã giải trình về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Liên quan đến việc tổng kết đánh giá quy hoạch 10 năm 2010-2020, ông Trần Hồng Hà chia sẻ, hiện nay quy hoạch đất đai đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian.

Liên quan đến đất lúa, Bộ trưởng cho biết, Kết luận 81 của Bộ Chính trị nêu rõ, giữ đất lúa không chỉ để đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là bảo vệ hệ tài nguyên đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được.

“Bởi vậy chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu hecta. Quỹ đất trồng lúa này chính là một không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ sau, chứ không phải chỉ riêng trồng lúa”, ông Trần Hồng Hà nói.

Tiếp thu nhiều kiến nghị của ĐBQH, người đứng đầu ngành TN-MT cho biết sẽ chỉ đạo ngành TN-MT tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng, đồng thời công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Sau khi xây dựng xong quy hoạch, Chính phủ sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm cho các địa phương, cho các ngành và lĩnh vực trong năm nay để các địa phương, các ngành có thể thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, chỉ quy hoạch sử dụng đất đai không đủ, nó phải đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch như là quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông, quy hoạch các ngành khác sử dụng đất, thì mới có thể quản lý và kiểm soát được.

Công nhận một bất cập là sự lệch pha giữa chiến lược phát triển kinh tế với quy hoạch sử dụng đất đai, vì quy hoạch phải xây dựng trên cơ sở chiến lược, Bộ trưởng cho biết đã đề xuất với Quốc hội cho phép kéo độ trễ, nhưng không quá một năm, để tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

“Năm nay quy hoạch đất đai có thể là do hỗ trợ của Quốc hội và các ĐBQH nên chúng ta đã làm hết sức khẩn trương và cũng có thể nói là làm sớm so với các kỳ khác”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Tin cùng chuyên mục