Cuối tháng 10-2020, TPHCM sẽ đánh giá kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Sau hàng loạt phản ảnh của phụ huynh và giáo viên về sách giáo khoa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới quá nặng so với khả năng tiếp nhận của học sinh lớp 1, Sở GD-ĐT TPHCM mới đây vừa có văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT 24 quận, huyện, các trường tiểu học phải xác định rõ chương trình GDPT mới là cơ hội đổi mới giáo dục toàn diện, vì vậy cần tranh thủ mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn.
SGK lớp 1 mới được dạy từ năm học 2020-2021
SGK lớp 1 mới được dạy từ năm học 2020-2021

Để thực hiện mục tiêu đó, các trường trước hết phải đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, đi đôi với nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục.  

Căn cứ kế hoạch giáo dục của nhà trường, các tổ, khối phát huy vai trò chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch dạy học ở từng môn học, phân phối tiết dạy hợp lý để qua đó giáo viên có cơ sở xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp đặc điểm, tình hình từng lớp học.

Trong công tác xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo viên cần chú ý mục tiêu của chương trình là chú trọng hình thành các năng lực đặc thù của môn học bên cạnh các phẩm chất và năng lực chung cho học sinh.

Cụ thể, về thiết bị dạy học, giáo viên phải sử dụng các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, sau đó ưu tiên các thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, lớp học và chuỗi hoạt động dự kiến tổ chức.

Về nội dung dạy học, giáo viên cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cần đạt, thời gian, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động, phương tiện dạy học và phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Sau mỗi tiết dạy, Sở GD-ĐT TP yêu cầu mỗi giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy, khuyến khích giáo viên làm nhật ký giảng dạy để ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với các cấp quản lý, đồng thời chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh SGK cho phù hợp khi tái bản.

Cuối tháng 10-2020, TPHCM sẽ đánh giá kết quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ảnh 1 Một giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình).

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, trong triển khai chương trình GDPT mới, giáo viên có quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học, nội dung dạy học, đồng thời chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng, hiệu quả giáo dục của từng học sinh trong lớp.

Tùy từng mức độ tiếp nhận của học sinh trong lớp, giáo viên có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối các tiết dạy trong từng giai đoạn (có thể khác nhau giữa các lớp trong cùng một tổ, khối). Đặc biệt, vào đầu năm học, giáo viên có thể giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với học sinh của lớp. 

Đối với môn tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh, ngoài ra tuyệt đối không được tạo áp lực, phê bình, chê bai học sinh, thay vào đó cần động viên, khuyến khích, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh. 

Song song đó, giáo viên phải tăng cường gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh làm quen, hòa nhập với môi trường lớp học, nề nếp học tập và sinh hoạt tại trường, liên hệ kịp thời và tư vấn, hỗ trợ phụ huynh có con em tiếp thu bài chưa như mong muốn, tuyệt đối không được bắt ép việc dạy thêm, học thêm. 

Ban giám hiệu các trường chủ động dự giờ, thăm lớp để giúp đỡ giáo viên lớp 1 giải quyết kịp thời những khó khăn, nhất là các lớp có sĩ số học sinh đông, chưa đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, nhà trường tăng cường kiểm tra công tác chấm, chữa bài của giáo viên, tổ chức cho học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn hoặc cả nhóm.

Dự kiến, kết thúc giữa học kỳ 1 năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1, qua đó rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa và công tác tổ chức dạy học.   

Tin cùng chuyên mục