Cuối năm, Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu liều vaccine Covid-19

Đó là khẳng định của GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP. 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cùng với Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng đang nỗ lực tìm kiếm để đưa lượng vaccine Covid-19 nhiều nhất có thể về Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng không ngừng đẩy mạnh, nâng cao năng lực xét nghiệm, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến dịch Covid-19… Đó là khẳng định của GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP. 

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Quỹ vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở xã hội hóa. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phân bổ vaccine cho các địa phương như thế nào?

Thứ trưởng TRẦN VĂN THUẤN: Quỹ vaccine phòng Covid-19 được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ, đây là ý tưởng đúng đắn, rất phù hợp, kịp thời trong nỗ lực phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Trong số các nhiệm vụ của quỹ, ngoài việc hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, quỹ còn có nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

 GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Đối với việc mua vaccine sẽ được thực hiện theo các quy định hiện hành và việc phân bổ cho các địa phương sẽ được thực hiện khi mua được vaccine trên cơ sở nhiều yếu tố. Hiện nay, việc phân bổ và tiêm vaccine Covid-19 phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp, ngoài 9 đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21/NQ-CP chúng ta cũng đã mở rộng tiêm vaccine ở khu công nghiệp với đối tượng chủ yếu là công nhân, người lao động. 

Với những thành phố lớn và dân số đông, việc phân bổ vaccine và hỗ trợ các địa phương này trong việc tiêm chủng sẽ như thế nào? 

Ngoài tiêu chí về tỷ lệ mắc thì đương nhiên với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mật độ dân số đông cũng sẽ được xem xét ưu tiên trong việc phân bổ vaccine Covid-19. Đối với công tác triển khai tiêm chủng, từ trước khi có vaccine Covid-19 về Việt Nam, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn đầy đủ về công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế ở các tuyến. Đồng thời cũng có những hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức tiêm chủng đối với từng địa phương, từng điểm tiêm chủng để bảo đảm an toàn và hiệu quả tốt nhất.

Tới đây, lượng vaccine Covid-19 tăng lên, Bộ Y tế có mở rộng đối tượng được tiêm chủng?

Việc mở rộng đối tượng khác được tiêm vaccine Covid-19 là mục tiêu, mong muốn và đề xuất của Bộ Y tế nhưng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vaccine nhập khẩu về. Nếu lượng vaccine đảm bảo, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng được tiêm chủng một cách phù hợp. Mục tiêu của Chính phủ là tiêm đủ vaccine cho tất cả người dân trong độ tuổi và đủ điều kiện.

Năm 2021, Việt Nam sẽ có được bao nhiêu liều vaccine, thưa ông?

Hiện nay, nguồn cung vaccine trên toàn cầu vẫn rất hạn chế và các số liệu về lượng vaccine cung cấp cho Việt Nam được dựa trên các cuộc trao đổi, bàn bạc giữa chúng ta với những đối tác nước ngoài nên không thực sự chắc chắn cụ thể là bao nhiêu liều. Đối tác cung cấp cũng không khẳng định là vaccine sẽ được cung cấp một cách đầy đủ như số lượng chúng ta đề nghị mà họ chỉ hướng tới việc cung cấp số lượng khả quan nhất có thể vì còn phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, với những nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua, dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có được khoảng 150 triệu liều vaccine Covid-19. Cùng với đó, ngành y tế cũng đang hết sức cố gắng với sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ, các bộ, ngành chức năng để đưa được lượng vaccine nhiều nhất có thể về Việt Nam phục vụ tiêm chủng cho người dân, phòng ngừa dịch bệnh.

Cùng với vaccine, chúng ta cũng đang đẩy mạnh xét nghiệm. Vậy năng lực xét nghiệm hiện nay có đảm bảo ứng phó được với diễn biến của dịch bệnh?  

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cả nước chỉ có vài chục máy xét nghiệm Realtime-PCR, nhưng bây giờ năng lực xét nghiệm của chúng ta đã được tăng lên rất nhiều lần. Công suất xét nghiệm PCR trong cả nước có thể thực hiện được 300.000 mẫu đơn/ngày, trong trường hợp gộp 5-10 mẫu, công suất có thể lên tới 3 triệu mẫu/ngày. Như vậy, trong trường hợp nếu có tới 30.000 ca mắc Covid-19, chúng ta vẫn hoàn toàn có đủ năng lực, khả năng xét nghiệm đáp ứng các tình huống của dịch.

Công tác xét nghiệm hiện nay có nên đẩy mạnh xã hội hóa, hay lập quỹ xét nghiệm để hỗ trợ, giảm bớt áp lực cho ngành y tế?

Tôi nghĩ rằng đây là ý tưởng hay. Việc chúng ta lập được Quỹ vaccine phòng Covid-19 là nỗ lực và bước tiến lớn trong công cuộc phòng chống dịch. Nếu như có quỹ xét nghiệm, việc xã hội hóa xét nghiệm cũng sẽ rất tốt và kịp thời hơn trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục