Cuối năm "nóng" chuyện thực phẩm bẩn - Bài 2: Khó kiểm soát

Những ngày gần đây, tại nhiều tỉnh thành, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện không ít vụ vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra thực phẩm được bày bán tại chợ Bến Thành, TPHCM
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra thực phẩm được bày bán tại chợ Bến Thành, TPHCM

Bắt giữ không xuể

Mới đây nhất vào đầu tháng 1-2019, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội, kiểm tra kho hàng ở số nhà 11, ngách 9, ngõ 178 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, phát hiện hàng trăm hộp bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua đấu tranh bước đầu, chủ hàng khai nhận mua toàn bộ số hàng trôi nổi trên thị trường. Trước đó ít ngày, lực lượng liên ngành (Phòng An ninh kinh tế, Đội CSGT số 14 và Đội Quản lý thị trường số 11) phối hợp kiểm tra một xe tải trên địa bàn huyện Sóc Sơn, phát hiện chở hơn 2,3 tấn bánh kẹo do nước ngoài sản xuất không rõ chất lượng, được cất giấu lẫn vào lô hàng thiết bị vệ sinh.

Trong năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế TP Hà Nội cũng phát hiện và xử phạt 6.859 cơ sở vi phạm về ATTP, với số tiền phạt trên 25 tỷ đồng. Đáng lo ngại, qua lấy mẫu xét nghiệm, có trên 100 mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh, lý hóa; trong đó có 4 mẫu thịt heo, 6 mẫu thịt gà nhiễm khuẩn Salmonella; 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 41 mẫu thủy sản có dư lượng kháng sinh chloramphenicol, ciprofloxacin, thủy ngân, enrofloxacin và 2 mẫu hoa quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... 

Lần theo đầu mối hàng hóa ngược về phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn luôn là địa bàn tập trung vô số hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc và nguy hiểm hơn là mất vệ sinh ATTP. Theo ông Hoàng Anh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 12-2018, đơn vị đã phát hiện hơn 50 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật nhập lậu với trên 11 tấn sản phẩm động vật và hơn 64.000 con gia cầm phải tiêu hủy.

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn cho biết, phần lớn vụ thu giữ thực phẩm bẩn nhập lậu thời gian qua là nội tạng động vật đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối. Thống kê cho thấy trong năm 2018, các lực lượng chức năng ở Lạng Sơn đã phát hiện, ngăn chặn và tiêu hủy khoảng 30 tấn thực phẩm bẩn nhập lậu, như: nầm heo, mỡ heo lòng, thịt heo, vịt, gà thịt... tăng gần 10% so cùng kỳ 2017. 

Còn tại TPHCM, vào cuối năm 2018, Đội Quản lý ATTP số 9 (thuộc Ban Quản lý ATTP TPHCM) phát hiện xe tải 51D-24858 vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con) có những dấu hiệu bất thường. Tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, móng chân bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân. Ngoài ra, trên thịt còn xuất hiện các hạch sưng to, sung huyết, xuất huyết. Khai thác bước đầu, người vận chuyển hàng khai nhận số thịt heo trên có nguồn gốc từ tỉnh Long An. 

Tăng cường kiểm tra

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, vào thời điểm gần tết, nhiều đơn vị sản xuất, chế biến thường mua lượng lớn thực phẩm về trữ trong kho lạnh nhiều ngày, sau mới đưa ra thị trường bán, dẫn đến nguy cơ thịt kém chất lượng, quá hạn, không đảm bảo vệ sinh... Hiện ban đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp phường, xã. Công tác kiểm tra tập trung vào nhóm các sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm. 

Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Phong cho hay, để hạn chế tối đa và từng bước kiểm soát được nguy cơ mất vệ sinh ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Các đối tượng thanh tra, kiểm tra được xác định là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Cùng với việc tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP, về phía người dân cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt (PC08 - Công an TPHCM) cho biết, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật giao thông, đơn vị còn được Công an TPHCM phân công phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Môi trường, Ban Quản lý ATTP TPHCM, các trạm kiểm dịch quận huyện tổ chức chốt chặn, xử lý các phương tiện vận chuyển thực phẩm bẩn. Trong thời gian gần đây, lượng thực phẩm (gà vịt sống, nội tạng heo bò…) không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào TPHCM có chiều hướng gia tăng.

Chiêu thức của các đối tượng vi phạm là sử dụng xe khách; thậm chí sử dụng cả xe cứu thương mang biển số giả để vận chuyển hòng qua mắt lực lượng chức năng. Để phát hiện, xử lý triệt để các vi phạm ở các cửa ngõ của TPHCM, nhất là các quận Thủ Đức, quận 9 và huyện Bình Chánh, hiện nay lực lượng chức năng luôn túc trực chốt chặn, kiểm soát 24/24 giờ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Y tế huyện Bình Chánh, toàn huyện hiện có 5.102 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cùng với đó Bình Chánh là huyện cửa ngõ phía Nam của thành phố, tiếp giáp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do đó việc giám sát, theo dõi, xử lý các vi phạm về vệ sinh ATTP được địa phương đặc biệt chú trọng, nhất là thời điểm cuối năm. Hiện nay, huyện đang mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm VSATTP, thời gian kiểm tra diễn ra từ 9-1 đến 9-2.

Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra 43 cơ sở trọng điểm (20 cơ sở sản xuất,  kinh doanh thực phẩm, 15 chợ và 18 doanh nghiệp kinh doanh ăn uống). Bên cạnh đó, Phòng y tế và các phòng nghiệp vụ liên quan của huyện cũng phối hợp với trạm kiểm dịch huyện, công an huyện, quản lý thị trường huyện tổ chức chốt chặn, kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển thực phẩm vào thành phố ở ngay cửa ngõ, tập trung nhiều vào ban đêm, rạng sáng vì các trường hợp vi phạm thường di chuyển vào thời điểm này.

Tin cùng chuyên mục