Cuối năm, chợ đầu mối tăng rác thải

Càng về cuối năm, lượng hàng hóa về các chợ đầu mối tại TPHCM càng nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc lượng rác thải ra ngày càng lớn và không chỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác hiện nay. 
Thu dọn rác tại một bãi tập kết rác ở chợ Bình Điền Ảnh: THÀNH TRÍ
Thu dọn rác tại một bãi tập kết rác ở chợ Bình Điền Ảnh: THÀNH TRÍ
Rau đi - rác… ở lại
Ghi nhận thực tế tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trong những ngày cuối năm 2017 cho thấy, lượng rác thải ra rất lớn. Rác thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, các loại rau xanh bị dập nát, hoa quả hư thối… cho đến các loại bao bì gói hàng, túi ni lông, giấy rác từ các hộ kinh doanh ăn uống... bỏ lại nằm ngổn ngang khắp mọi lối ra vào chợ. Mùi nông sản thối rữa trộn lẫn với mùi nước thải bốc lên nồng nặc, khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Các loại rác thải cũng không được phân loại mà tụ thành từng đống. Khu chợ bị ngập ngụa bởi rác thải và bốc mùi hôi thối khiến người ta dễ nhầm tưởng đây là một khu chứa rác thải.
Anh Trần Công Sơn, công nhân dọn vệ sinh môi trường ở đây, cho biết mỗi ngày các anh phải gom hết rác từ bên trong cho tới bên ngoài chợ nên khá vất vả. Rác ở đây hỗn hợp đủ loại và phát sinh liên tục nên việc thu gom, quét dọn của các anh cũng quá tải. Rác vừa được dọn ở góc này thì góc bên kia lại tái hiện thêm đống khác. Ghi nhận tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8) cũng cho thấy, lượng rác thải ở đây khá nhiều, đa phần là rác thải từ các sản phẩm rau, củ, quả được sơ chế loại bỏ ra. Đặc biệt, nhiều thùng chứa thủy hải sản, bao bì, trái cây hư hỏng cũng vứt khắp chợ khiến nơi đây không khác gì một bãi rác khổng lồ. Do đặc thù hàng thủy hải sản nên mùi tanh của nước thải nơi đây vô cùng nồng nặc. 
Theo Ban quản lý chợ nông sản Bình Điền, hiện khu hàng nông sản của chợ là nơi tập trung kinh doanh của hơn 500 hộ, với lượng hàng nhập chợ khoảng 800 tấn/đêm. Trong đó, có 320 tấn hàng từ TP  Đà Lạt (Lâm Đồng) và 480 tấn từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì lượng hàng phần nhiều không được sơ chế hoặc chỉ sơ chế đơn giản nhất tại nguồn nên khi về đến chợ, các tiểu thương phải sơ chế thêm một lần nữa trước khi bán ra thị trường.
Và theo đó, lượng rác thải của hàng nông sản sau sơ chế tại chợ là rất lớn. Mỗi đêm lượng rác thải từ rau, củ, quả vào khoảng 35 - 40 tấn, chiếm 95% lượng rác thải của toàn chợ. Chi phí cho việc xử lý lượng rác thải này tốn hơn 1 tỷ đồng/tháng, gồm chi phí quét dọn, thu gom, xịt rửa, khử mùi, vận chuyển... Thông tin từ chợ nông sản Thủ Đức cho thấy, mỗi ngày có khoảng 3.000 tấn hàng nông sản nhập chợ và lượng rác sau sơ chế vào khoảng 50 tấn/ngày. Dù diện tích chợ nhỏ hơn so với chợ Bình Điền, nhưng mỗi tháng chợ đầu mối Thủ Đức cũng phải tốn hơn 300 triệu đồng để xử lý rác thải. Chợ đã nhiều lần kiến nghị các mặt hàng nông sản phải được sơ chế tại nguồn trước khi nhập chợ, nhưng đến nay đề xuất này vẫn không thực hiện được.  
Cần sơ chế rác tại nguồn
Nhiều ý kiến của các chợ đầu mối cho rằng, không có lý do gì mình lại mất chi phí dọn rác, trong khi rác từ việc sơ chế đó có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng. Nông dân và thương lái nên thực hiện sơ chế nông sản tại nguồn, sau đó có bao bì, vật dụng để bảo quản. Việc sơ chế tại nguồn, đối với nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây. Sản phẩm sau khi sơ chế cần có bao bì bọc lại, xây dựng nhãn mác để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, thay vì nhồi nhét làm giảm chất lượng sản phẩm. Củ cải đỏ, củ cải trắng, bắp cải, cải thảo rất cần sơ chế trước khi chuyển về chợ. Như hiện tại, các mặt hàng này đem về chợ đầu mối sơ chế vừa tốn nước vừa mất vệ sinh và phát sinh nhiều rác thải, ảnh hưởng đến hoạt động giao thương. 
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết muốn giải quyết tận gốc vấn đề sơ chế nông sản tại nguồn cần phải có sự tham gia đồng bộ từ cơ quan quản lý tại TPHCM và các địa phương sản xuất hàng hóa; sự phối hợp của người sản xuất, thương lái đến tiểu thương chợ đầu mối và các chợ nhỏ hơn. Hàng hóa hiện nay phần lớn không sơ chế, khi vào tới thành phố sẽ tạo lượng rác thải nhiều; trong khi đó, sản phẩm bị hư hỏng không ít và chất lượng chưa chắc đảm bảo.
Theo bà Hà, khi sản phẩm bán ra khỏi tỉnh nên có bộ phận kiểm định chất lượng, sơ chế thì chất lượng sản phẩm sẽ được đảm bảo hơn. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trước khi đưa sản phẩm đi nơi khác tiêu thụ đã được kiểm định. Như thế sản phẩm sẽ được người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Đồng quan điểm này, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cũng cho biết hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa nông sản là mối quan hệ giữa nhà vườn - thương lái - tiểu thương. Chợ đầu mối chỉ đóng vai trò nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa và nếu sơ chế nông sản tại nguồn sẽ giúp giảm nhiều chi phí cho chợ đầu mối. Đồng thời, cũng là giải pháp để hạn chế lượng rác thải vào địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục