Cuối mùa, áp thấp chồng áp thấp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sau khi bất ngờ mạnh lên thành bão số 8, trong ngày 18-11, cơn bão này nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến vào vùng biển Nam Trung bộ.

Hồi 16 giờ chiều 18-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ vĩ Bắc - 108,6 độ kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Trong ngày 19-11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực miền Đông Nam bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bình Thuận còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 1-2m; biển động.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; các tỉnh Nam bộ có mưa vừa, mưa to từ đêm 18 đến ngày 19-11.

Trong khi áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 đang gây thời tiết rất xấu, mưa to tại Nam Trung bộ và ảnh hưởng tới thời tiết Nam bộ thì theo cơ quan dự báo khí tượng Nhật Bản và các đài dự báo bão ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ở ngoài khơi thuộc phía Đông của Philippines lại vừa xuất hiện một áp thấp nhiệt đới có vĩ độ hoạt động thấp. Chiều 18-11, tọa độ của áp thấp nhiệt đới này ở khoảng 6,2 độ vĩ Bắc và 134,2 độ kinh Đông, di chuyển nhanh với vận tốc khoảng 20km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc. Dự báo, áp thấp nhiệt đới có thể thành bão trong những ngày tới.

Tại miền Bắc, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh từ đầu tuần này (19-11) do không khí lạnh đang tăng cường xuống phía Nam, ảnh hưởng lần lượt tới các khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ sau đó lan tỏa tới Tây Bắc bộ và Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên ở Bắc bộ có mưa, mưa rào; từ ngày 19-11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, có nơi mưa vừa và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tại TPHCM, hình thái chung trong ngày đầu tuần là có mưa rào và dông, từ ngày 20-11 trời nắng ráo, nhiệt độ lên tới 33-34oC.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tại khu vực Khánh Hòa và Phú Yên đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo trong thời gian tới mưa, lũ lớn còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về người và tài sản, khẩn trương khắc phục hậu quả, chiều 18-11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện số 57 gửi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ rủi ro cao về lũ quét, sạt lở đất, sơ tán dân đến nơi an toàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

TPHCM: Không tổ chức sinh hoạt ngoại khóa trong thời gian áp thấp nhiệt đới 

(SGGP).- Ngày 18-11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Theo đó, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng, xử lý mọi tình huống khi áp thấp đi qua. Sở GD-ĐT cũng lưu ý thủ trưởng các cơ sở giáo dục, trường học không tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tham quan, dã ngoại, tiết học ngoài nhà trường trong thời gian diễn ra áp thấp nhiệt đới. UBND các quận, huyện cho phép học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp.

                                                                                               THU TÂM

Tin cùng chuyên mục