Cuộc trở về của Boudarel

Tết Canh Tý, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai gọi điện, giọng nghẹn đi: “Đã 20 năm, giò lan nhà chị dù được chăm rất kỹ vẫn không chịu nở hoa. Tên loài lan này chị không còn nhớ. Vậy mà khi anh Boudarel trở về, hoa lan lại nở, chỉ độc nhất một bông hoa. Chị đặt tên là lan “Boudarel”. 
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai bên di ảnh Georges Boudarel ngày 4-2-2020 trên cầu Sông Bé, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai bên di ảnh Georges Boudarel ngày 4-2-2020 trên cầu Sông Bé, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Người đàn ông người Pháp này tôi đã từng nhìn thấy trên bàn thờ nhà chị. Giờ đây, tro cốt ông được hòa vào đất nước Việt Nam, theo di nguyện của ông.

1. “Mới đó mà đã gần 60 năm! Mối tình ấy ngỡ đã chôn vùi nhưng đã sống dậy mãnh liệt. Và giờ đây, Boudarel mãi mãi bên chị!”, chị Mai ngậm ngùi.

Mối tình ấy khởi nguồn từ năm 1961, khi nhạc sĩ Trương Tuyết Mai mới 17 tuổi, rời Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng, về Hà Nội luyện thi vào trường âm nhạc. Người con gái quê Phú Yên có một tuổi thơ đói khổ vì chiến tranh, loạn lạc. Cha đi lính hải quân cho Pháp, rồi theo bộ đội Cụ Hồ, mẹ chị nuôi đàn con thơ dại, dắt díu nhau đi qua những ngày đất nước loạn lạc. Bà kiệt sức, chết vì bệnh, không thể thực hiện giấc mơ đoàn tụ gia đình, theo chồng tập kết ra miền Bắc. Chị Tuyết Mai cùng người chị và 2 em thơ vượt qua những ngày gian khổ, xuống tàu ra Bắc. 

Còn Boudarel lúc ấy là một người Pháp, có mặt ở Việt Nam vì sự thôi thúc của một trái tim khao khát dân chủ và tình yêu thương con người. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1947, ông xuống tàu sang Đông Dương. Ông vào chiến khu, theo Việt Minh. Khi đó, ông mới 24 tuổi, được ông Phạm Ngọc Thạch, lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đón tiếp, cử làm việc ở Cục Địch vận Việt Minh và Đài Phát thanh Nam bộ kháng chiến. Năm 1952, Boudarel được điều ra Chiến khu Việt Bắc công tác, làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà Xuất bản Ngoại văn Hà Nội. 

Boudarel và Trương Tuyết Mai gặp nhau ở quán cơm Tân An, phố Hàng Bông, Hà Nội. Tiệm cơm này nấu các món đặc trưng miền Nam như canh chua cá lóc, cá kho tộ, khổ qua nhồi thịt hầm. Boudarel đã từng sống ở Nam bộ, thích ăn những món miền Nam nên ông thường lui tới tiệm cơm này. Trương Tuyết Mai nhớ những món ăn miền Nam nên khi về Hà Nội chuẩn bị thi vào trường nhạc cũng thường xuyên đi ăn ở tiệm cơm này. Nhìn thấy Trương Tuyết Mai, Boudarel xin phép được ngồi cùng bàn, khiến chị vô cùng lúng túng: “Xin lỗi, thưa ông là… Ông cần gì không ạ?”. Ông nói tiếng Việt, giải thích: “Tôi là Boudarel. Georges Boudarel. Tên Việt là Đại Đồng. Tôi không cần gì cả. Chính bộ bà ba đen, mái tóc và đôi mắt em đã khiến tôi phải đến xin phép nói chuyện. Em mặc bộ bà ba đẹp lắm!”.

Cuộc trò chuyện năm đó khởi nguồn cho một mối tình. Boudarel, một ông Tây, lớn hơn Trương Tuyết Mai hàng chục tuổi, vào thời kỳ mà quen biết một người nước ngoài được xem như là điều cấm kỵ. Quá nhiều lời đe dọa và sự can thiệp thô bạo, nên gặp nhau ở quán cơm, họ phải nén lòng. Chỉ cần xếp hàng, nghe hơi thở của nhau cũng đủ làm họ hạnh phúc. 

Tôi hỏi chị: “Mối tình mãnh liệt đến thế sao phải tan vỡ?”. Chị cười buồn: “Thời đó tôi còn quá trẻ. Trái tim mách bảo tình yêu không có tội. Tôi và Boudarel đã được những con đường vắng Hà Nội che chở trong những lần hẹn hò. Nhưng rồi thật tình, tinh thần tôi bắt đầu lung lay, sợ hãi. Người ta lên án mối tình tôi với “ông Tây”, nào là “mới chân ướt chân ráo về Hà Nội luyện thi đã bày đặt”, “mới tí tuổi đầu mà đã dám thách đố, cô sẽ bị ghi vô sổ bìa đen”, “có biết quan hệ với người ngoại quốc là mắc tội gì không?”... Tôi được người thầy, người anh dạy luyện thi vào trường nhạc mang chính trị, đạo đức và nhân cách làm người ra thuyết giảng. Một cô gái mới lớn, mới chập chững vào đời với niềm đam mê âm nhạc, những điều ấy quá khủng khiếp với tôi. Tôi không đủ bản lĩnh đề bảo vệ tình yêu của mình, đành lặng lẽ rời khỏi anh”. 

2. Tốt nghiệp Khoa kèn Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1961-1965, Trương Tuyết Mai được chọn vào đội ngũ văn nghệ sĩ làm lý lịch đi vào chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1974, ước nguyện của chị mới được toại nguyện. Chị đã thuyết phục chồng ký giấy chấp nhận đơn tình nguyện vào Nam, đã để lại Hà Nội 2 đứa con nhỏ để lên đường, vượt Trường Sơn vào Nam. Rồi hòa bình, tiếp theo những ngày vật lộn với khó khăn, thiếu thốn, cả nỗi cô đơn khi chấp nhận ly hôn, chọn lựa làm bà mẹ đơn thân để nuôi con, nuôi niềm khát khao sáng tác.

Còn Boudarel là một mảnh vỡ khác của số phận. Khi không còn được gặp cô gái tên Mai, ông rất đau khổ. Ít lâu sau ông lấy vợ, có được một bé gái xinh đẹp. Thời tuổi trẻ, vì đấu tranh dân chủ, ông đã đến với Việt Nam. Thật trớ trêu, một con người hết lòng vì Việt Nam như ông, vào thời điểm ấy, đành phải đưa vợ con rời Hà Nội. Ông và gia đình không được trở về Pháp mà phải sang một nước thứ ba định cư, vì Chính phủ Pháp đã kết án tử hình vắng mặt, do những hoạt động ở Việt Nam trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ít lâu sau, vợ ông bỏ đi cùng đứa con gái còn rất nhỏ. Năm 1966, ông được lệnh ân xá. Boudarel về lại Pháp năm 1967, sau 20 năm rời đất nước, dạy ở Đại học Denis Diderot (Paris 7) cho đến ngày nghỉ hưu.

Tình yêu với “người đàn ông mắt xanh” ngỡ đã chôn vùi trong ký ức bộn bề, chợt sống dậy mãnh liệt trong lòng nữ nhạc sĩ, khi vào dịp nghỉ dưỡng ở Long Hải, nhạc sĩ Thế Bảo vô tình gợi lại câu chuyện năm xưa. Đêm ấy, chị không ngủ được, bật lên từ ký ức Hà Nội với những con đường Hoàng Diệu, Trần Phú, vườn Bách Thảo... Ngày đó, họ đã nương vào bóng tối mờ ảo của ánh điện khuất dưới những tàng lá sấu, những tán cây xà cừ để đến với nhau. Những cung bậc cảm xúc của bài hát Đợi chờ đã rung lên từ đêm trăng ấy. “Đợi chờ anh, em chẳng tính từng giây, dù mỗi giây bằng hai đầu thế kỷ…”. 

Chị đến nước Đức - nơi con gái chị sinh sống. Rồi từ Đức, chị cùng con gái tìm đến bệnh viện nơi Boudarel điều trị di chứng căn bệnh tim mạch. Giờ đây, chị không còn là cô gái 17 tuổi mà là người đàn bà đi qua chiến tranh và hòa bình, trải nghiệm máu thịt cuộc đời, vượt qua định kiến, sợ hãi để được là mình. “Tôi hăm hở lao vào vòng tay ấy, tìm lại hơi ấm hằng khao khát, để yên cho anh ôm và hôn lên tóc, lên mắt, lên môi. Trong vòng tay anh, tôi choáng ngợp hạnh phúc, trái tim đập rộn ràng cùng vô vàn cảm xúc dâng tràn”, chị kể.

Gặp lại nhau, chị mới biết thêm những bi kịch mà Boudarel nếm trải. Ông ngậm ngùi kể: “Đầu những năm 1990, anh lại gặp nạn. Những thế lực cực hữu Pháp đã xúi giục một số tù binh Pháp ở Đông Dương vu cáo anh là cai ngục, là hung thần ờ trại giam M113 thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc. Họ đòi truy tố anh vì “tội ác chống nhân loại”, bắt anh phải trả giá cho sự dấn thân của mình. Báo chí và các cơ quan truyền thông của Pháp đã không tiếc lời bôi nhọ, lên án anh một thời gian dài”. 

Nhưng Boudarel không hoàn toàn đơn độc. Một con người trung thực đến cùng và là một chiến sĩ của tự do như ông không thiếu vắng tình bạn. Bên cạnh ông đã thành hình một ủy ban ủng hộ, mà hàng đầu là 2 nhà toán học tầm cỡ, bạn chí cốt của Việt Nam - bà Hélène và ông Laurent Schwartz, giải thưởng Fields, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Họ đã lập một ban trị sự, quy tụ đông đảo bạn bè Pháp, Việt, Mỹ, Đức bảo vệ, chăm sóc ông trong suốt 12 năm cuối đời. GS Nguyễn Ngọc Giao đã giữ tro cốt của ông suốt 17 năm (Boudarel mất ngày 26-12-2003). 

Mùa xuân năm Canh Tý, ngày 4-2-2020, GS Nguyễn Ngọc Giao đã thực hiện di nguyện của Boudarel: một phần tro cốt của ông được rải xuống sông Seine; một phần đưa về Việt Nam, rải xuống Sông Bé - Chiến khu Đ, nơi ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ; và sông Hồng - nơi ông tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trước Tết Canh Tý, GS Nguyễn Ngọc Giao gửi di cốt Boudarel ở nhà chị Trương Tuyết Mai. Tôi chứng kiến cảnh chị sáng chiều nấu những món ăn miền Nam mà Boudarel từng ưa thích, đặt trên bàn thờ ông. Di ảnh Boudarel chìm trong hương khói, bên giò lan 20 năm mới chịu nở hoa. Và có cả những giọt nước mắt của người nữ nhạc sĩ đã lập bàn thờ ông trên cây đàn dương cầm nhiều năm liền, tấu lên những âm thanh nức nở, da diết đợi chờ cả một kiếp nhân sinh.

Tin cùng chuyên mục