Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6: Nhận diện tuổi 20 hôm nay

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 vừa có buổi công bố 20 tác phẩm vào chung khảo tại NXB Trẻ. 

Con số 20 tác phẩm trong tổng số 458 bản thảo gửi về chưa phải là nhiều, nhưng đây vẫn là một con số ấn tượng, nhất là trong thời buổi hiện nay, khi văn chương đang phải cạnh tranh với các loại hình giải trí khác và giới trẻ cũng không còn mặn mà như trước.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6: Nhận diện tuổi 20 hôm nay ảnh 1 Những gương mặt trẻ được phát hiện tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6
 Cuộc “đổ bộ” của thế hệ 9X 
Theo chia sẻ của ban tổ chức, cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 (diễn ra từ ngày 24-12-2015 đến hết ngày 31-5-2018) nhận được 458 tác phẩm với 347 truyện dài và 111 truyện ngắn. Các tác phẩm có sự đa dạng về thể loại và đề tài và dù mang tính thể nghiệm cao nhưng tựu trung vẫn là đề cao con người, đúng với dòng chảy văn học thế giới. 

Trong số 20 tác phẩm cuối cùng vào chung khảo, có khá nhiều tác giả là những tên tuổi đã thành danh, hoặc ít nhiều được biết đến trên văn đàn. Đặc biệt, có tới 13 người thuộc thế hệ 9X, hầu hết đang là sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Những trang văn của họ đầy tươi mới nhưng vẫn có sự trăn trở, suy tư trước cuộc sống, thể hiện chân dung và tâm tình của lứa tuổi 20 hôm nay. 

Đó là Phạm Thu Hà, sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với truyện dài Sau những ngày mưa. Tác phẩm là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, từ điểm nhìn của một cô gái vừa bước sang tuổi 21… Trong khi đó, tập truyện ngắn Tự nhiên say của Phát Dương (sinh năm 1995, hiện đang là sinh viên năm 4 Trường Đại học Cần Thơ), lại là những câu chuyện, những con người hồn hậu của miền Tây sông nước, nơi cuộc sống hiện đại đang hối hả tràn qua. Với tập truyện đầu tay, Phát Dương đã cho thấy nỗ lực cũng như nội lực của mình. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Hiền Trang với tập truyện ngắn Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài Độc hành, Mai Thảo Yên với Người lạ, Vũ Tùng Lâm với Những câu chuyện trong thành phố… 

Tín hiệu vui cho văn đàn 

Theo ông Dương Thành Truyền, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, các tác phẩm vào chung khảo lần này giống như một khối lập phương ba chiều phản ánh góc nhìn thẳng thắn, mạnh mẽ và đầy cảm xúc của người trẻ hôm nay. Đặc biệt, bút pháp của các tác giả có thể gây “ngạc nhiên chưa” cho mỗi độc giả với những trang viết đẹp, cuốn hút, có phong cách riêng hiện đại: bằng những lối kể chuyện đa dạng, sinh động với chuyện thực, truyện nối truyện, truyện trong truyện… “Có thể nói không quá lời, tin vui cho chúng ta, đây là tín hiệu báo hiệu của một lớp cây bút thời mới - của hôm nay và ngày mai”, ông Truyền nói thêm. 

Trong số 20 tác giả có mặt tại vòng chung khảo, có 10 tác giả góp mặt với tác phẩm đầu tay như Phát Dương, Maik Cây, Phạm Thu Hà, Bạch Đằng, Vũ Tùng Lâm… Lựa chọn cuộc thi làm nơi bắt đầu cho hành trình văn chương của mình có lẽ một phần bởi uy tín của cuộc thi. Thực tế cho thấy, cuộc thi là nơi phát hiện và bổ sung cho văn đàn nước nhà nhiều tên tuổi sáng giá.
 
Khi đã có tác phẩm đầu tay được ra mắt, làm thế nào để nuôi dưỡng đam mê, duy trì cảm hứng và ra mắt những tác phẩm tiếp theo? Câu hỏi này nhận được sự quan tâm khá nhiều của các tác giả trẻ tham dự. Nhà văn Phan Hồn Nhiên, 1 trong 5 thành viên của ban giám khảo chung khảo cuộc thi, chia sẻ: “Thông thường, khi các bạn đã ra mắt một tác phẩm thì cũng đồng thời nghĩ đến việc đặt nền móng để có thể đi tiếp về sau. Với người viết, có hai vấn đề cần phải theo đuổi: Đặt ra mục tiêu nghệ thuật và đặt ra mục tiêu trong cuộc sống. Cuộc sống và nghệ thuật phải song hành với nhau. Khi có hai mục tiêu này song hành thì mình sẽ có tác phẩm kế tiếp”. 

Ngoài những giải thưởng chính thức, Ban tổ chức cuộc thi còn tổ chức cuộc bình chọn tác phẩm yêu thích từ 20 tác phẩm vào chung khảo dành cho bạn đọc, diễn ra trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 8-9 đến 8-12-2018 trên fanpage “Văn học tuổi 20”. Các giải thưởng này sẽ được công bố trong buổi lễ trao giải và tổng kết vào tháng 1-2019.
Tại cuộc thi lần 5, một trong những điều được dư luận quan tâm là việc hợp tác với kênh truyền hình Today TV để chuyển thể các tác phẩm tham dự và đoạt giải thành phim. Tuy nhiên, sang lần 6, việc hợp tác này đã không còn nữa. Theo lý giải của ông Dương Thành Truyền, việc chuyển thể từ một tác phẩm văn học sang kịch bản là quá trình không đơn giản. “Không phải tác phẩm nào cũng có thể chuyển thể thành phim, vì nó còn liên quan đến kinh phí, đề tài… NXB hoàn toàn ủng hộ nhưng đó là quá trình giữa tác giả với nhà biên kịch cũng như hãng phim”, ông Truyền cho biết. Tác giả văn học sẽ là người quyết định cho phép hay không cho phép việc chuyển thể. Trong trường hợp tác giả văn học có sự ủy quyền, NXB sẽ thay mặt tác giả làm việc với các đài truyền hình, các hãng phim.

Tin cùng chuyên mục