Cuộc sống mới khi hẻm mở rộng

Phong trào hiến đất mở rộng đường, hẻm trên địa bàn quận Phú Nhuận, TPHCM thời gian qua nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Những con đường, hẻm rộng thênh thang tạo diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp hơn và đời sống người dân cũng được nâng cao. 
Những con hẻm được mở rộng thênh thang nhờ dân hiến đất
Những con hẻm được mở rộng thênh thang nhờ dân hiến đất

Hẻm 162 Phan Đăng Lưu (phường 3, quận Phú Nhuận) trước đây chỉ rộng khoảng 2m. Riêng đoạn cuối thông qua hẻm 440 Nguyễn Kiệm rất hẹp, chỉ khoảng hơn 1m, lại ngoằn ngoèo khiến 2 xe máy không thể nào chạy ngược chiều nhau được. Bằng quyết tâm cao và phát huy hiệu quả công tác vận động người dân thực hiện các dự án mở rộng đường, hẻm theo phương thức nhân dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hẻm 162 Phan Đăng Lưu được mở rộng hơn 5m, khang trang. Đồng thời, quận còn sắp xếp, cân đối để bố trí lại cho 4 hộ dân bị ảnh hưởng xây dựng nhà mới.

Đó là một trong 17 công trình mở rộng đường, hẻm được thực hiện trong nhiệm kỳ qua ở quận Phú Nhuận. Từ những mét vuông đất “vàng” do người dân hiến, các con hẻm nhỏ hẹp được mở rộng ra từ 4,5m đến 8m. Song song đó, đường cống thoát nước xuống cấp cũng được cải tạo, nâng cấp.

Theo đồng chí Huỳnh Đăng Linh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Phú Nhuận, trong 5 năm, người dân hiến gần 2.500m2 đất với tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng để mở rộng hẻm. Người dân còn đóng góp kinh phí cùng thực hiện 50 công trình cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp hẻm. 

Sau khi đường, hẻm được mở rộng, giao thông thuận lợi, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư kinh doanh hoặc mở các loại hình kinh doanh dịch vụ ngay tại nhà. Những thay đổi trên đã giúp cho đời sống, sinh hoạt, nhất là việc đi lại của cư dân được cải thiện rõ nét, tạo ra sinh khí mới cho cộng đồng dân cư. 

Hơn 60 tuổi, ông Phạm Thái, ngụ đường Phan Xích Long (phường 3) mới được chút niềm vui trong căn nhà ấm cúng. Gia đình ông có 5 người sống trong căn nhà hơn 14m2 đã xuống cấp trầm trọng. Dù ngày ngày cố gắng chạy xe ôm để tăng thu nhập, nhưng do bệnh tật nên ông không thể thoát nghèo. Để giúp gia đình ông Thái, bên cạnh trao thẻ bảo hiểm y tế, học bổng cho con, Quỹ vì người nghèo của quận cùng các mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí xây dựng lại căn nhà với 1 trệt 2 lầu. Có nhà mới, ông Thái ngăn vách 1 phòng cho thuê, nhờ đó cuộc sống gia đình dần ổn định và ra khỏi diện hộ nghèo.

Thời gian qua, chương trình giảm nghèo bền vững được quận Phú Nhuận thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhất là việc đưa công tác này vào phong trào thi đua yêu nước. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và huy động các nguồn lực của xã hội tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó, tăng dần các giải pháp hỗ trợ có điều kiện, đã khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là biện pháp căn cơ giúp người dân thoát nghèo bền vững, quận tập trung kết nối nhu cầu của người dân với các đơn vị đào tạo nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp người dân có phương tiện làm việc. Hàng năm, quận tổ chức buổi đi bộ đồng hành, huy động hơn 6 tỷ đồng/năm để chăm lo cho người nghèo trên địa bàn.

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quận Phú Nhuận được thành phố công nhận không còn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020, trước 2 năm.

Tin cùng chuyên mục