Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân

Có thể nói hàng trăm lối nhỏ vào văn chương của các tác giả 7X và 8X bắt đầu từ tủ sách Tuổi mới lớn. Sau này, không ít người lặng lẽ bỏ cuộc chơi sau khoảng đầu chạm ngõ văn nhiều đắm say mộng tưởng. Nhưng cũng trong số đó đã tìm được giọng điệu riêng, khẳng định được mình trong dòng chảy, vận động của văn chương nước nhà. 

 

Trong hành trình 65 năm thành lập NXB Kim Đồng, tủ sách Tuổi mới lớn được ra mắt vào đúng 20 năm trước, trở thành một dấu son đáng nhớ. Chính từ tủ sách này, nhiều cây bút đã có cơ hội xuất bản cuốn sách đầu tiên và sau này trở thành những tên tuổi được yêu thích của làng văn. 

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập, NXB Kim Đồng chủ trương trở lại và phục dựng một số tác phẩm trong tủ sách Tuổi mới lớn với định dạng mỹ thuật mới, bắt đầu bằng 3 tác giả tiêu biểu đại diện cho thế hệ 7X là nhà văn, họa sĩ Nguyễn Ngọc Thuần với Nhện ảo; nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang với Ba chàng trai, một cô gái và những chiếc lá; nhà văn, thầy giáo Đàm Huy Đông với Thời hoa đỏ và 2 tác giả tiêu biểu của thế hệ 8X là nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu Thủy với Những lối về miền hoa và nhà văn, nhà báo Đoàn Phương Huyền với Nắng trong lòng phố.

Dịp này, cuộc giao lưu với chủ đề Xanh mãi tuổi 20 vừa được diễn ra vào ngày 5-6 tại Đường sách TPHCM. Ngoài những tác giả có sách được in trong tủ sách Tuổi mới lớn hiện đang sống và làm việc ở TPHCM, chương trình còn có sự tham gia của nhiều cây bút đến từ các vùng miền khác nhau như Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội), Đàm Huy Đông (Hưng Yên), Trần Tùng Chinh (An Giang), Nguyễn Phước Thảo (Đồng Tháp)…

Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân ảnh 1 Nhà thơ Cao Xuân Sơn (thứ 2, từ phải qua) cùng các tác giả có sách in trong tủ sách Tuổi mới lớn được tái bản trong dịp này, gồm: Đàm Huy Đông, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Châu Giang và Đoàn Phương Huyền 
Khởi đi từ năm 2002 với mỗi tháng hai tập sách văn học dành cho lứa tuổi mới lớn được xuất bản, rồi đều đặn mỗi tuần một tập, tiếp đến là mỗi tuần hai tập, tủ sách đã trở thành sân chơi rộng mở của bạn đọc tuổi mới lớn, nơi gặp gỡ, ngóng chờ, gửi gắm sáng tác tin cậy của hàng trăm cây bút mới. Tủ sách Tuổi mới lớn được xem là nơi cất giữ những trang viết thanh xuân không chỉ của người viết mà của cả người đọc.

Cùng với nhà văn, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, nhà thơ Cao Xuân Sơn là một trong những người đầu tiên hình thành nên tủ sách Tuổi mới lớn. Thời điểm đó, giấy phép của NXB Kim Đồng chỉ được in sách cho lứa tuổi 6-14, còn dưới 6 tuổi và trên 14 tuổi thì không được phép. Vì bị hạn chế như vậy nên dù mảng sách cho tuổi mới lớn có nhu cầu rất lớn nhưng NXB Kim Đồng vẫn không được in.

“Lúc đó, chúng tôi nhận chỉ đạo của cụ Nguyễn Thắng Vu, nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng hình thành Ban biên tập với việc ra mắt một tủ sách mang đặc thù của phía Nam, đồng thời phù hợp với chủ trương của NXB Kim Đồng. Trong cuộc trao đổi, tôi có đề xuất mảng mạnh nhất ở phía Nam chính là mảng sách dành cho tuổi mới lớn, còn miền Bắc không có truyền thống cho tủ sách này. Khi tôi làm, miền Bắc chỉ có nhà văn Đặng Ái, trong khi ở miền Nam có rất nhiều cây bút viết cho tuổi mới lớn trước năm 75 đã thành danh như Nguyễn Thái Hải, Kim Hài, Thùy An, Đinh Tiến Luyện, Mường Mán, Từ Kế Tường…”, nhà thơ Cao Xuân Sơn kể lại.

Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân ảnh 2 Từ An Giang, nhà văn - thầy giáo Trần Tùng Chinh cũng lên TPHCM để tham dự cùng các bạn viết trong tủ sách Tuổi mới lớn 
Để có những cuốn sách đầu tiên, đích thân nhà thơ Cao Xuân Sơn đã đến gặp một số nhà văn gạo cội để đặt hàng như Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng… Đó chính là cơ duyên để tác phẩm Nó và tôi được ra mắt sau này. Hay nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với Hồn muối, là tác phẩm đầu tiên ghi nhận sự trở lại của bà sau thời gian dài vắng bóng. Dần dần, tủ sách còn mở rộng sang các tác giả trẻ, thậm chí có những tác giả đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. 
Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân ảnh 3 Chương trình thu hút đông đảo độc giả và những nhà văn tham dự. Trong ảnh là nhà văn Gia Bảo và nhà văn Hoài Hương (từ phải qua) 
Có thể nói hàng trăm lối nhỏ vào văn chương của các tác giả 7X và 8X bắt đầu từ tủ sách Tuổi mới lớn. Sau này, không ít người lặng lẽ bỏ cuộc chơi sau khoảng đầu chạm ngõ văn nhiều đắm say mộng tưởng. Nhưng cũng trong số đó đã tìm được giọng điệu riêng, khẳng định được mình trong dòng chảy, vận động của văn chương nước nhà. Những sáng tác mới đã và đang góp phần làm nên diện mạo của văn chương hôm nay.
Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân ảnh 4 Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu Thủy bày tỏ niềm vui mừng khi gặp những bạn viết mà lâu nay chỉ được nghe tên
Là biên kịch của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng trong thời gian gần đây như Tuổi thanh xuân, Zippo, Mù tạt và Em, Về nhà đi con, Thương ngày nắng về… Nguyễn Thu Thủy cũng được biết đến là tác giả của nhiều tác phẩm được giới trẻ yêu thích như Gái già xì tin, Mắt híp và Môi cuốn lô, Hot boy và Eo 58. Đặc biệt, chị cũng là người góp mặt trong tủ sách Tuổi mới lớn trong thời gian đầu với tập truyện ngắn Những lối về miền hoa. Đây cũng là tác phẩm vừa được NXB Kim Đồng chọn giới thiệu lại trong một diện mạo mới.

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thu Thủy bày tỏ: “Tôi không nhớ cơ duyên nào đã đưa mình đến với tủ sách Tuổi mới lớn, nhưng ở thời điểm cách đây gần 20 năm, việc một tác giả trẻ, chưa được đăng nhiều cũng chưa có tên tuổi gì cả nhưng đúng như nhà thơ Cao Xuân Sơn đã nói, với chúng tôi, thời điểm đó có một cuốn sách có tên mình, là một niềm vinh dự rất lớn. Mặc dù hồi đó, cuốn sách chỉ nhỏ bằng bàn tay thôi nhưng niềm vui lại lớn hơn rất nhiều”. 

Cuộc hội ngộ của những trang viết thanh xuân ảnh 5 Theo chia sẻ của nhà văn Phan Hồn Nhiên (phải), trong thời gian tới, một số tác phẩm trong tủ sách Tuổi mới lớn sẽ tiếp tục được tái bản với diện mạo mới 
Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, trong số 250 tác giả tham gia vào tủ sách Tuổi mới lớn, có gần 100 tác giả có tác phẩm đầu tiên được in ở tủ sách này. Và tổng tác phẩm được in ở tủ sách Tuổi mới lớn là gần 500 cuốn. Nhà văn Phan Hồn Nhiên, Phó Giám đốc - Trưởng Ban biên tập chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng cho biết, trong thời gian sắp tới, NXB Kim Đồng sẽ tiếp tục chọn lọc trong kho tàng mà nhà thơ Cao Xuân Sơn để lại, tìm tòi hình thức mỹ thuật mới mẻ cho mỗi cuốn sách, để tiếp cận với độc giả hôm nay. 

Tin cùng chuyên mục