Cuộc đua xây dựng cáp quang biển

Gần 99% dữ liệu trên thế giới trao đổi qua Internet được truyền đi nhờ một mạng lưới với hơn 420 tuyến cáp quang vùi sâu dưới lòng đại dương, nối liền châu Mỹ với châu Âu và châu Á. Đó là cột sống của hệ thống giao thương, tài chính, liên lạc toàn cầu.
Thi công dự án Grace Hopper, đoạn qua thị trấn duyên hải Bude tại Anh
Thi công dự án Grace Hopper, đoạn qua thị trấn duyên hải Bude tại Anh

Giao dịch tài chính 10 tỷ USD/ngày

Thế giới hiện có 1,3 triệu km dây cáp quang. Tuyến đường dài nhất trải dài trên 39.000km, nối liền Đông Nam Á với Tây Âu qua ngả Hồng Hải. Hiện tại, hệ thống cáp quang toàn cầu tập trung rất lớn vào 2 trục chính: giữa 2 bờ Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Mỹ là trung tâm đầu não của cả hệ thống cáp quang nối liền Bắc Mỹ với châu Á, và Bắc Mỹ với châu Âu. 

Năm 2020 phá kỷ lục với 36 đường cáp quang mới được triển khai trên thế giới. Tháng 10-2021, Tập đoàn viễn thông Pháp Orange thông báo, đường dây cáp PEACE do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới xuyên biển nối liền Pakistan với Kenya và châu Âu đã được đưa vào bờ cảng Marseille, miền Nam nước Pháp.

Trong khi đó, tuyến cáp ngầm mang tên Grace Hopper của Google xuất phát từ New York (Mỹ) đến thị trấn duyên hải Bude tại Anh và TP Bilbao của Tây Ban Nha dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Theo một đại diện của Google, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật vai trò thiết yếu của công nghệ kỹ thuật số. Hệ thống cáp dưới lòng đại dương cho phép Google chuẩn bị đáp ứng nhu cầu trong tương lai của khách hàng ở bất cứ nơi nào trên Trái đất.

Riêng tại châu Á, từ năm 2010, Google đã có hẳn chính sách Đông tiến, đầu tư hơn 2 tỷ USD để mở rộng hệ thống cáp quang trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, dự án Apricot nối liền Singapore với Nhật Bản, đảo Guam, Philippines, lãnh thổ Đài Loan, Indonesia sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024.

Năm tới, dự án Echo sẽ kết nối bang California (Mỹ) với Singapore, Guam, Indonesia. Theo thẩm định của Analysys Mason - cơ quan tư vấn trong ngành viễn thông, truyền thông và công nghệ có trụ sở tại London (Anh), đầu tư của Google trong thời gian  vào cơ sở hạ tầng cho hệ thống cáp quang dưới lòng biển cho phép tạo thêm hơn 1 triệu việc làm và đem lại thêm 430 tỷ USD cho GDP của khu vực này trong giai đoạn 2010-2019.

Năm 2018, Facebook bị chính quyền Tổng thống Donald Trump dội “gáo nước lạnh”, phải ngừng dự án bắc nhịp cầu dưới lòng đại dương đi từ Mỹ sang Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc). Không để mất nhiều thời gian, Facebook đã chuyển hướng và chọn Singapore là điểm đến cho tuyến cáp Bifrost. “Xa lộ” dưới lòng biển này dự kiến đi vào hoạt động trong 2 năm tới và khả năng kết nối của Facebook trong vùng Thái Bình Dương sẽ được nâng lên thêm 70% so với hiện tại. 

Theo giáo sư Serge Besanger của Trường Thương mại quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu INSEEC U, kiêm cố vấn của Quỹ Tiền tệ quốc tế, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 10 tỷ USD từ các khoản giao dịch tài chính đi qua các ngả “xa lộ” dưới lòng biển. Về mức độ chiến lược, những đường cáp dưới đáy biển này mang tính sống còn ngang tầm với các đường ống dẫn dầu và khí đốt. 

Nỗi lo an ninh

Trong báo cáo công bố vào tháng 9-2021, cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council báo động về những mối đe dọa nhắm vào hệ thống cáp, vào những cơ sở hạ tầng dưới lòng đại dương. Theo tổ chức này, các giới chức liên quan vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức về những hiểm họa cả về địa chính trị lẫn an ninh đối với Internet toàn cầu.

Giáo sư Camille Morel của Trường Đại học Lyon 3-Jean Loulin giải thích rõ hơn: “Các hoạt động do thám vẫn rất mạnh. Trên bộ hay trên biển thì ngành tình báo kinh tế đều hoạt động như nhau. Với hệ thống cáp quang được đặt dưới lòng đại dương, việc theo dõi vẫn tiếp diễn. Logic và lối vận hành của các mạng cáp quang lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tình báo”.   

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đọ sức về nhiều mặt, quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, các siêu cường trên thế giới lao vào một cuộc chiến tranh dưới những hình thức mới, mà điển hình là những đợt tấn công tin học.

Giáo sư Serge Besanger đặt câu hỏi: hệ thống cáp quang toàn cầu có được bảo vệ đúng mức hay không? Theo ông, châu Âu đầu tư chưa đủ để bảo đảm an ninh cho các đường cáp quang biển cũng như tự vệ trước những hoạt động do thám. Từ năm 2014, giới quan sát thấy có nhiều tàu bè hoạt động gần sát và dọc theo các đường dây được vùi dưới lòng biển.

Tháng 10-2020, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg đã dành một cuộc họp để bàn về những đe dọa nhắm vào cáp biển và những cơ sở hạ tầng thiết yếu; bởi những dữ liệu liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực dân sự và quân sự cùng phải đi qua, và đó cũng là mạch huyết sống còn của cả hệ thống giao thương quốc tế.

Không phải tình cờ mà ngày 15-2 vừa qua, Pháp công bố Chiến lược làm chủ đáy đại dương. Một trong những ưu tiên được chú ý nhiều liên quan đến việc sử dụng robot và máy bay tự hành để giám sát, bảo đảm an ninh cho các hệ thống cáp biển, cho các vùng biển sâu. Đó có thể là những mục tiêu tấn công của nước ngoài để theo dõi hay dọ thám.

Việt Nam có 6 tuyến cáp quang biển nối với thế giới: AAG (Asia-America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway), TGN-IA (Tata TGN-Intra Asia), SEA-ME-WE3 (SMW-3), AAE-1 (Asia Africa Europe-1) và TVH.

Trong đó, đường truyền quốc tế, tốc độ Internet ra quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào tuyến cáp quang AAG với tổng chiều dài 20.000km, được đưa vào sử dụng năm 2009. Tuyến cáp quang này được hầu hết các nhà mạng lớn ở Việt Nam khai thác như VNPT, FPT, Viettel…

Tin cùng chuyên mục