Cuộc đua tìm giải pháp

Hai mươi năm trước, ông John Browne, sau đó là Giám đốc Điều hành của Công ty Dầu khí London BP, đã cảnh báo về mối liên hệ không thể xem nhẹ giữa khí thải carbon nhân tạo và sự nóng lên toàn cầu. 
Cuộc đua tìm giải pháp

Ông từng kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu nhưng lời nói của ông rơi vào khoảng không, các đồng nghiệp hầu hết không ai ủng hộ ông.

Dù biết thừa thay đổi khí hậu có thể gây rủi ro cho ngành công nghiệp dầu khí, nhưng lượng dầu đang được sử dụng hiện nay đã tăng khoảng 1/3 so với cuối những năm 1990, chủ yếu là do số lượng người tiêu dùng ở các nước như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với mức độ sử dụng các phương tiện như ô tô, máy bay và các sản phẩm làm từ nhựa gốc dầu. Có sự hoài nghi về việc thế giới có thể loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than đá để duy trì nhiệt độ toàn cầu trong giới hạn an toàn. Cần có hàng ngàn tỷ USD để thay thế các hệ thống năng lượng hiện tại bằng năng lượng gió và Mặt trời.

Hiện tại, các công ty dầu khí lớn cùng thừa nhận mối liên hệ giữa việc đốt nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu. Thời thế thay đổi khi các công ty gần như bị xa lánh bởi các nhà môi trường và một số nhà đầu tư, nên họ đang tranh giành vị trí trong cuộc đua tìm kiếm giải pháp cho mối đe dọa toàn cầu này. Từ năm 2016 đến 2018, 7 công ty dầu khí lớn, bao gồm Shell, Exxon Mobil, Total… đã chi 5,8 tỷ USD cho năng lượng thay thế. Equinor của Na Uy, trước đây là Statoil, là một bên của liên doanh đã giành được thỏa thuận sơ bộ vào ngày 20-9 để xây dựng trang trại gió lớn nhất thế giới tại Dogger Bank ở biển Bắc, ngoài khơi miền Đông nước Anh với tổng chi phí khoảng 11 tỷ USD.

Các công ty dầu mỏ châu Âu và Mỹ đang có những cách tiếp cận khá khác nhau. Hãng Shell đang bỏ tiền vào các khoản đầu tư năng lượng thay thế, đặc biệt là điện gió. Những khoản đầu tư này nhằm khẳng định vị trí của Shell trong thời đại bùng nổ năng lượng điện sạch cho các phương tiện và các mục đích sử dụng khác thay vì nhiên liệu hóa thạch. Thậm chí một số công ty đã thành lập tổ chức Oil and Gas Climate Initiative, đầu tư vào các công nghệ carbon thấp và giảm khí nhà kính, khí metan. 

Phó Chủ tịch điều hành chiến lược Ed Daniels của Shell cho biết, để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về khí hậu, cần có một sự thay đổi lớn trong các hệ thống năng lượng - đang phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Ông nhấn mạnh, Shell muốn dẫu đầu sự thay đổi đó, một mục tiêu cơ bản cho sự thành công lâu dài của công ty. Trong khi đó hãng Chevron của Mỹ lại có cách tiếp cận khác khi tập trung vào các hoạt động dầu khí hiệu quả hơn và ít khí thải hơn. Chevron lập luận rằng sẽ là một sai lầm khi buộc các công ty đang hoạt động tốt phải giảm sản xuất dầu khí. Các nhà sản xuất có thể tăng sản lượng dầu khí của họ hiệu quả nhất trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu.

Một số nhà đầu tư thừa nhận rằng các công ty dầu khí sẽ cần thêm thời gian để thay đổi. Đây sẽ là một quá trình chuyển đổi kéo dài nhiều năm. Khoảng cách giữa các công ty dầu mỏ và những gì các nhà đầu tư, các nhà môi trường mong đợi từ họ dường như chưa thể thu hẹp.

Tin cùng chuyên mục