Cuộc đua phát triển vaccine vạn năng

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron, hay còn gọi là Omicron tàng hình, sẽ gia tăng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian tới, các nước bước vào cuộc đua phát triển vaccine vạn năng phòng ngừa mọi loại virus gây dịch Covid-19…
Trẻ em Thái Lan tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters
Trẻ em Thái Lan tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters

Lây lan mạnh toàn cầu 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 10-2, tổng cộng 403.422.255 người trên thế giới mắc Covid-19, trong đó có 5.794.624 người tử vong. Số người bình phục là 323.026.224 người. Hiện có 90.258 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực. Kể từ tháng 11-2021, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch Covid-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn, dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn.

Theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật về Covid-19 của WHO, trong số 4 phiên bản khác nhau của Omicron đang được cơ quan này theo dõi, biến thể phụ BA.2 dễ lây nhiễm hơn biến thể BA.1, hiện là biến thể lây nhiễm chủ đạo hiện nay trên toàn cầu, và nhiều khả năng sẽ còn phổ biến hơn trong thời gian tới. Hiện chưa có dấu hiệu về sự khác biệt liên quan đến mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gây ra do BA.2 và BA.1 và nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được thực hiện.

Một nghiên cứu ở Anh ghi nhận 2/3 số người nhiễm biến thể Omicron từng mắc Covid-19 trước đó. Hầu hết các bang ở Mỹ đã xác nhận sự hiện diện của BA.2, mặc dù biến thể phụ này đang phổ biến ở mức thấp, chỉ với 460 ca mắc được xác nhận. Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đã ghi nhận BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 khoảng 1,5 lần và có khả năng lây nhiễm cho những người đã tiêm chủng, thậm chí đã tiêm mũi tăng cường. Chuyên gia WHO kêu gọi người dân thế giới tiêm chủng đầy đủ và thường xuyên đeo khẩu trang.

Sôi động các phòng thí nghiệm 

Sự xuất hiện đột ngột của biến thể Omicron và các biến thể phụ đã cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của thế giới khi các loại vaccine Covid-19 hiện nay chỉ có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gốc, trong khi các mũi tiêm tăng cường chỉ có thể giảm nguy cơ bệnh diễn biến nghiêm trọng chứ không phòng chống được Omicron.

Thế hệ vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đầu tiên hoạt động bằng cách tạo ra các kháng thể vô hiệu hóa protein “đột biến” mà virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Nhưng phần quan trọng này của virus đã thay đổi khi virus SARS-CoV-2 bị đột biến, khiến hệ thống miễn dịch khó nhận ra virus hơn và làm giảm hiệu quả của vaccine.

Đối với vaccine vạn năng, các nhà nghiên cứu đang thử một cách tiếp cận khác. Hầu hết đều đang nghiên cứu để xác định những phần được gọi là “được bảo tồn” của virus - các mảnh protein được gọi là các biểu mô có trong tất cả các virus corona và chống lại sự biến đổi, dù chúng có đột biến đi chăng nữa. Ý tưởng là tạo một loại vaccine huấn luyện cơ thể nhận biết vùng được bảo tồn này, thúc đẩy phản ứng miễn dịch với một loạt virus corona.

Tại Anh, DIOSynVax, nhóm nhà khoa học về công nghệ sinh học của Đại học Cambridge do Giáo sư Jonathan Heeney đứng đầu cũng đi tiên phong về nghiên cứu vaccine phổ quát. Giáo sư Jonathan Heeney cho biết nhóm này đã xác định được một số cấu trúc độc đáo trên nhóm SARS không gây đột biến, “đưa ra các mục tiêu đầy hứa hẹn để bảo vệ vaccine rộng rãi chống lại nhóm virus corona SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2 cũng như các biến thể của chúng”. 

Tại Mỹ, Tiến sĩ Barton Haynes, Giám đốc Viện Vaccine cho người tại Đại học Y khoa Duke, và nhóm của ông cũng đã xác định được một biểu mô kháng đột biến trên protein đột biến. Vaccine của họ sẽ kết hợp một hạt nano tổng hợp có nguồn gốc từ protein đột biến với chất bổ trợ, một chất hóa học giúp tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus. Các nhà khoa học của Nga và Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phổ quát trên người nhằm đẩy nhanh tiến độ cho ra mắt loại vaccine vạn năng… 

WHO cho biết Chương trình cung cấp vaccine Covid-19 vẫn chưa đạt được mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều trong năm 2021. Đến nay, mới có 10% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi vaccine, so với gần 68% ở các nước giàu.

Tin cùng chuyên mục