Cuộc chiến với thuốc giảm đau gây nghiện

Cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện (nhóm opioid) ở Mỹ đang là nguyên nhân gây ra khoảng 106.854 ca tử vong vì sử dụng thuốc quá liều trong 1 năm tính đến tháng 11-2021, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng triệu người phải vật lộn với chứng rối loạn do sử dụng thuốc, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng.
Người thân đau buồn tại lễ tưởng niệm các nạn nhân dùng thuốc quá liều ở Pittsburgh năm 2021. Ảnh: AP
Người thân đau buồn tại lễ tưởng niệm các nạn nhân dùng thuốc quá liều ở Pittsburgh năm 2021. Ảnh: AP

Theo National Institute on Drug Abuse, kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, số người đã mất vì cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ gần như bằng số sinh mạng đã mất trong Thế chiến II. Vấn đề lạm dụng chất gây nghiện đã tăng vọt và ngày càng trầm trọng tại Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do nhiều chương trình điều trị bị ngừng hoặc hủy bỏ, trong khi tình trạng tiêu thụ rượu và ma túy gia tăng. Tình trạng này ngày một trầm trọng hơn do thuốc giả tràn ngập trên các trang mạng internet. Hồi tháng 12-2021, Tổng thống Biden đã ký 2 sắc lệnh hành pháp nhằm đấu tranh chống buôn lậu thuốc và các mạng lưới tội phạm. Một sắc lệnh cho phép áp dụng mức phạt mới đối với các công ty buôn bán nguyên liệu cho thuốc Fentanyl - thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid có nguồn gốc tự nhiên và tổng hợp mạnh nhất trong nhóm opioid được phép sử dụng trong ngành y, mạnh gấp 100 lần morphine. Các sản phẩm có chứa Fentanyl, các chất cùng nhóm đã và đang xuất hiện trên thị trường ma túy bất hợp pháp. 

Theo giới chuyên gia, nếu dùng phải thuốc Fentanyl có hàm lượng cao, đặc biệt là thuốc bất hợp pháp không được kiểm soát chất lượng, Fentanyl sẽ gây khó thở cho người sử dụng, bất tỉnh và cuối cùng là ngừng thở. Giám đốc Chính sách kiểm soát dược phẩm quốc gia (NDCP) tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Rahul Gupta cho biết, chính quyền cũng hướng tới mục tiêu tăng gấp 3 lần mức phạt đối với các đối tượng buôn lậu thuốc và tăng cường an ninh biên giới. 

Đứng trước cuộc khủng hoảng thuốc opioid được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố một chiến lược mới nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng các loại thuốc giảm đau này. Chính sách sắp công bố cũng sẽ tăng gấp đôi khả năng tiếp cận với thuốc điều trị cho những người có nguy cơ tử vong vì dùng quá liều, và đảm bảo đến năm 2025 mọi người đều có thuốc để xử lý các rối loạn khi đã dùng opioid. Thực tế cho thấy, thay vì áp dụng các phương cách chữa bệnh hỗ trợ như vật lý trị liệu, tư vấn, tâm lý trị liệu, can thiệp y tế nonopioid ... thì nhiều bệnh nhân đã nghiện thuốc giảm đau đến mức suy nghĩ sẽ có ngày nếu không có thuốc, họ sẽ tự tử. Tuy nhiên, trong các lá thư gửi cho chuyên mục The Other Victims of the Opioid Crisis của báo New York Times, nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc các chứng đau mãn tính không quan tâm đến tác hại lâu dài của thuốc giảm đau, chỉ cần không bị các cơn đau hành hạ, thậm chí tuyên bố sẽ tự sát nếu bị cắt thuốc. Trước đó, nước Mỹ cũng chấn động với việc nhiều bệnh nhân ung thư tự sát sau khi bị cắt thuốc giảm đau gây nghiện đột ngột, trong bối cảnh các bác sĩ cắt giảm liều lượng thuốc cho phù hợp với hướng dẫn mới. 

Nhiều nhà khoa học, giáo sư đại học và người nhà bệnh nhân cho rằng, những thay đổi này có thể là chưa đủ ở một quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe hơi phức tạp. Nếu các nhà hoạch định chính sách thực sự muốn ngăn chặn các vụ tự tử của bệnh nhân cũng như những cái chết do dùng thuốc quá liều, thì chứng nghiện và nỗi đau còn phải được điều trị bằng lòng nhân ái và khoa học. Đối với một số bệnh nhân bị đau mãn tính, nhóm thuốc opioid là một phương pháp điều trị hiệu quả và nguy cơ nghiện chỉ cần được kiểm soát.

Tin cùng chuyên mục