Cuộc chiến visa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 9-10, các cơ quan ngoại giao Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ngưng dịch vụ thị thực. 
Đại sứ quán Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ
Đại sứ quán Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ
 Động thái này xảy ra sau vụ một nhân viên làm việc cho lãnh sự quán Mỹ bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước do cáo buộc có liên hệ với Giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tiên là Mỹ quyết định ngừng cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có quyết định tương tự để trả đũa.

Xem xét lại những cam kết về an ninh 

Ngày 9-10, cơ quan công tố Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh triệu tập một nhân viên người địa phương đang làm việc cho lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul. Lệnh bắt giữ này được đưa ra vài ngày sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên khác tại cơ quan lãnh sự trên, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước. 

Trước đó, thông báo của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Washington nêu rõ quyết định sẽ được áp dụng đối với thị thực trong hộ chiếu, thị thực điện tử, thị thực được cấp tại biên giới cũng như các loại thị thực được cấp tại các trụ sở ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Thông báo cũng nhấn mạnh quyết định được đưa ra sau khi Mỹ quyết định dừng cung cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời cho rằng động thái trên của Mỹ buộc Ankara phải xem xét lại những cam kết về an ninh của Washington đối với các phái bộ và nhân viên ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. 

Trước đó, Mỹ thông báo quyết định ngừng cung cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ sau vụ bắt giữ nói trên. Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nêu rõ: “Những sự kiện gần đây đã buộc Chính phủ Mỹ đánh giá lại cam kết của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ”.

Nguyên nhân sâu xa 

Theo hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Metin Topuz - là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, bị bắt ngày 4-10 về tội làm gián điệp, vi phạm hiến pháp và tìm cách lật đổ nhà nước. Anadolu cho biết ông Metin đã liên lạc với một số cựu cảnh sát trưởng, 121 người tham gia đảo chính cùng hàng trăm người sử dụng một ứng dụng nhắn tin mã hóa. Thổ Nhĩ Kỳ còn gây sức ép đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, về nước sau vụ đảo chính tháng 7-2016 khiến hơn 240 người thiệt mạng. 

Thực tế, sau vụ đảo chính hụt năm ngoái thì hai bên đã cố gắng cải thiện quan hệ và mới tháng 5 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Mỹ và khẳng định lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Tuy nhiên, sự ủng hộ quân sự của Washington đối với các chiến binh YPG người Kurd ở Syria đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ hoài nghi về lòng chân thành của người Mỹ. Nhóm YPG bị Ankara xem là một phần mở rộng của PKK (bị Ankara coi là khủng bố), vốn tiến hành nổi dậy kéo dài suốt 3 thập kỷ ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 9-10, Hiệp hội các nhà công nghiệp và thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ (TUSIAD), hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu của nước này, cho rằng, bất đồng giữa Ankara với Mỹ sẽ gây phương hại cho các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa và học thuật giữa hai bên, cũng như nhân dân hai nước. Các biện pháp đáp trả của hai bên đã khiến tỷ giá đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 2,4% và chỉ số chứng khoán chính giảm 4,7%.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Bí thư của Đại sứ quán Mỹ và kêu gọi Washington chấm dứt các biện pháp đáp trả nhằm tránh gây ra những “căng thẳng không cần thiết”. Theo đánh giá của giới quan sát, chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông tiếp tục gặp vấn đề khi liên tiếp gặp trục trặc với Saudi Arabia, Iran và giờ là Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể những vấn đề này sẽ khiến Saudi Arabia xích lại gần Nga hơn qua việc Quốc vương Saudi Arabia đến thăm Mátxcơva bàn việc mua bán vũ khí. Hết Iran phản ứng ra mặt khi Mỹ tính áp đặt các gói trừng phạt mới liên quan đến chương trình tên lửa của Tehran, giờ đây đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngần ngại trả đũa Washington.

Tin cùng chuyên mục