Cuộc chiến chống nạn rửa tiền

Nạn rửa tiền vẫn đang là một vấn đề nhức nhối toàn cầu. Chính vì vậy, truyền thông quốc tế những ngày gần đây đặc biệt chú ý đến một đạo luật mới trong Luật Ngân sách về quốc phòng vừa được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 1-1 với số phiếu áp đảo, được xem là “thuốc” chữa căn bệnh nan y này.
Đạo luật Minh bạch doanh nghiệp là bước tiến quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền
Đạo luật Minh bạch doanh nghiệp là bước tiến quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền

Đạo luật có tên Corporate Transparency Act (tạm dịch Minh bạch doanh nghiệp), bắt buộc chủ nhân của các công ty, tổ chức “bình phong” - thường được sử dụng để rửa tiền và trốn thuế - phải cung cấp danh tính.

Theo đó, chủ nhân của các công ty này từ nay phải khai báo danh tính với Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN), một cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ. FinCEN có trách nhiệm thu thập và phân tích thông tin về các giao dịch tài chính, nhằm chống nạn rửa tiền trong nước và quốc tế, chống tài trợ khủng bố và nhiều loại tội phạm tài chính khác. Theo điều chỉnh của đạo luật mới, chủ nhân của các công ty bình phong không khai báo danh tính có thể bị phạt tù đến 2 năm và bị phạt tiền 10.000 USD.

Ước tính của Liên hiệp quốc, nạn rửa tiền liên quan đến khoảng 800 tỷ đến 2.000 tỷ USD “bẩn” trên toàn cầu. Đối với những người tranh đấu cho minh bạch tài chính, việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Minh bạch doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng đầu tiên trong cuộc chiến chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và các hoạt động biển thủ tài chính.

Thông thường, khi nói đến chuyện rửa tiền, người ta thường nghĩ ngay đến các “thiên đường thuế” như Panama hay quần đảo Cayman. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, ngay tại nền kinh tế Mỹ khổng lồ cũng có thể hút hàng tỷ USD tiền bất hợp pháp mà ít ai có thể phát hiện. Theo ông Gary Kalman, Giám đốc chi nhánh Mỹ của tổ chức phi chính phủ minh bạch quốc tế Transparency International, nền kinh tế Mỹ đóng vai trò trung gian trong việc biến tiền bất hợp pháp thành tiền “sạch”.

Ông Gary Kalman khẳng định, Mỹ là một trong những nơi rửa tiền dễ dàng nhất trên thế giới, thông qua hàng loạt tổ chức trung gian, qua các cổ phiếu doanh nghiệp, hay qua việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật. Do đó, theo ông Gary Kalman, đạo luật mới là “rất căn bản” trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền.

Trong khi đó, ông Ian Gary, Giám đốc điều hành của liên minh vì minh bạch tài chính Financial Accountability and Corporate Transparency ghi nhận từ nhiều năm nay, các chuyên gia không ngừng coi các tổ chức, công ty bình phong là lỗ hổng quan trọng nhất trong hệ thống chống nạn rửa tiền…

Thông qua đạo luật là một bước tiến quan trọng nhất mà Mỹ đã có thể làm để bảo vệ hệ thống tài chính của nước này trước các lạm dụng. Bất chấp các căng thẳng về địa chính trị, người đứng đầu Transparency International cho hay, dòng tiền bất hợp pháp từ Trung Quốc và Nga tiếp tục đổ về Mỹ rất nhiều.

Ông Gary Kalman nhấn mạnh: “Đất nước của chúng ta là thiên đường cho tham nhũng và những kẻ tội phạm muốn cất giấu tiền”. Với việc thông qua đạo luật Minh bạch doanh nghiệp, ông Gary Kalman tin tưởng Washington đã đặt ra “một chuẩn mực” cho hệ thống toàn cầu trong việc chống lại tiền bẩn.

Tin cùng chuyên mục