Cuộc chiến bị tạm quên

Lo ngại ngân sách chống khủng bố quốc tế sẽ cạn kiệt do phải dồn sức chống dịch Covid-19, Mỹ đã hối thúc các nước đồng minh tăng cường đóng góp cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cuộc chiến chống IS còn kéo dài. Ông kêu gọi các nước tiếp tục các chiến dịch truy lùng, triệt hạ các hang ổ và mạng lưới của IS, hỗ trợ ổn định các khu vực đã được giải phóng tại Iraq và Syria. Mặc dù thừa nhận đại dịch Covid-19 đang gây áp lực đối với ngân sách, nhưng Ngoại trưởng Mỹ hối thúc các nước cam kết hướng tới mục tiêu dành hơn 700 triệu USD trong năm 2020 cho chiến dịch này. Phía Mỹ cam kết chi 100 triệu USD để hỗ trợ Iraq.

Tuyên bố được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin về việc IS tái thiết lập lực lượng tại Tây Phi và Afghanistan sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Chỉ trong tháng 4-2020, IS nhận trách nhiệm thực hiện 151 vụ tấn công tại Iraq và Syria. Do đang gặp khó khăn về tài chính, IS đang tập trung vào các vụ tấn công nhằm thu lợi như bắt cóc đòi tiền chuộc.

Theo bà Rita Katz, Giám đốc Nhóm tình báo SITE (trụ sở ở Mỹ) chuyên theo dõi các nhóm cực đoan, IS đang tích cực kêu gọi tấn công phương Tây và đẩy mạnh các chiến dịch ở Afghanistan, Tây Phi, Trung Phi, vùng Sahel, Ai Cập và Yemen. Những phần tử khủng bố gần như “nằm im” ở các nước phương Tây nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ở các quốc gia khác, đặc biệt là tại Trung Đông, châu Phi và một phần ở Đông Nam Á.

Điều này một phần liên quan đến việc phương Tây đang phải dồn lực cho cuộc chiến chống dịch nên có phần xao lãng đối với các lực lượng khủng bố. Cụ thể, các nhiệm vụ của liên minh chống khủng bố quốc tế bị đình chỉ ở Iraq và quân đội các nước bắt đầu rời khỏi lãnh thổ Iraq từ tháng 2 vừa qua. 

Từ cuối tháng 3, các cố vấn quân sự Mỹ cũng đã rời khỏi Iraq trong khi NATO dừng các hoạt động hỗ trợ và chỉ để lại lực lượng tại một số cơ sở quân sự có trang thiết bị vũ khí đầy đủ.

Phía Mỹ cho rằng những biện pháp này nhằm bảo vệ quân đội khỏi một cuộc tấn công từ Iran. Tuy nhiên, do không có sự hỗ trợ của quốc tế, Iraq buộc phải giảm đáng kể số lượng các cuộc tấn công chống khủng bố. Việc Mỹ rút quân phần nào gây ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ, tấn công của các lực lượng vũ trang nằm trong khu vực tự trị người Kurd tại Iraq.

Những diễn biến gần đây làm nảy sinh lo ngại việc IS tìm cách hồi sinh và xây dựng lại mạng lưới trực tuyến cùng ngoại tuyến toàn cầu với tham vọng tiếp tục thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố.

Giám đốc Văn phòng chống khủng bố của Liên hiệp quốc Vladimir Voronkov cho biết, nhiều chi nhánh khu vực của IS tiếp tục theo đuổi chiến lược cố thủ trong các khu vực xung đột bằng cách khai thác sự bất mãn từ việc điều hành của quan chức địa phương.

Trong khi đó, các phần tử khủng bố nước ngoài từng đến Iraq và Syria dự kiến sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa ngắn hạn, trung và dài hạn do số lượng của lực lượng này vẫn cao, ước tính từ 20.000 đến gần 27.000 người.

Theo ông Voronkov, quốc tế vẫn cần phải cảnh giác và đoàn kết trong việc đương đầu với khủng bố và không nên bỏ quên cuộc chiến còn nhiều cam go này.

Tin cùng chuyên mục