Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên hệ thống kết nối số hóa - vật lý - công nghệ sinh học, trong đó sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. 
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đứng ở đâu? Điều gì đang diễn ra và các DN sẽ phải làm gì để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội? Đây là những vấn đề nóng bỏng đặt ra trong hội thảo “Doanh nghiệp Việt với cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức ngày 12-4. 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức ảnh 1 Sử dụng công nghệ mới điều khiển hệ thống điện thành phố tại Tổng Công ty Điện lực TPHCM                                         Ảnh: Cao Thăng
 Quá nhiều thách thức
Ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập Công ty cổ phần Color Life (website Hoayeuthuong.com) cho rằng, hơn 10 năm trước, tại nhiều nước cũng như Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt các cuộc hội thảo phân tích, đánh giá những thách thức và cơ hội, từ đó vận động các DN ứng dụng ERP (một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động kinh doanh, thu thập dữ liệu, lưu trữ, phân tích diễn giải), hay xây dựng hệ thống Business Intelligent (BI - tình báo kinh doanh). Nhưng những DN ứng dụng ERP hoàn chỉnh không nhiều, chủ yếu là những DN lớn bởi chi phí đầu tư lúc nào cũng vượt qua 10 con số (hơn 10 tỷ đồng). Đầu tư lớn nhưng tỷ lệ phần trăm các DN thành công nhờ việc ứng dụng ERP là rất ít.  Ngày nay, ứng dụng 4.0 vào sản xuất hay kinh doanh, đa số DN đều thấy đó là một xu thế của tương lai. Thế nhưng, các DN ít mường tượng được sẽ phải bắt đầu từ đâu, đầu tư cho nó bao nhiêu và có gì đó để so sánh hay đối chiếu không? Theo ý kiến chủ quan của ông Phạm Hoàng Thái Dương, xây dựng một hệ thống 4.0 cho vận hành doanh nghiệp là khó. Nó khó hơn rất nhiều những gì tưởng tượng, vì đơn giản là không thể hiểu được nó là cái gì, chứ chưa nói tới là chúng ta định làm cái gì và bắt đầu từ đâu. Và ông Dương khẳng định, nó là một môn chơi tốn kém, xa xỉ và kết quả là mơ hồ! Tuy nhiên, tại hoayeuthuong vẫn chọn con đường 4.0 để làm, bởi nếu xây dựng thành công sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực trong tương lai, việc bán hàng cũng tốt hơn gấp nhiều lần với trước đây và sớm bù lại hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vào 4.0. 
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức ảnh 2 Dây chuyền sản xuất sữa tự động tại Vinamilk          Ảnh: CAO THĂNG
 Trong lĩnh vực sản xuất, ông Lê Đình Phong - tiến sĩ về robotics và tự động hóa, nghiên cứu viên Trung tâm triển khai - Khu công nghệ cao TPHCM, cho rằng Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ (tức ở mức độ giữa của công nghệ 2.0-3.0 - PV). Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng tùy biến cá nhân trong việc tạo ra sản phẩm đang ngày một gia tăng, kiểu nhà máy thông minh ra đời, nhằm đáp ứng thời kỳ “cá thể hóa theo số đông” hay “tùy biến theo khách hàng”. Các nhà máy truyền thống không thể thực hiện được điều đó, ngay cả những dây chuyền có mức độ tự động hóa cao cũng chỉ có thể cho ra đời từng lô hàng theo kế hoạch đã định sẵn. Đây chính là thách thức rất lớn đối với đại bộ phận các DN, nếu muốn đón đầu làn sóng 4.0. 
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, nhìn nhận, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các DN Việt Nam bắt buộc phải hướng tới, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý, mà ngay cả công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá, thì nó có sức hấp dẫn người tiêu dùng.  Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty ICC, cho biết ICC đang dần đổi mới máy móc thiết bị tự động hóa, đầu tư hệ thống quản lý để nắm tình hình sản xuất hàng ngày từ khâu đưa nguyên liệu vào đến khi sản phẩm ra thị trường thông qua smartphone. Công ty đã đầu tư 4 tỷ đồng để mua phần mềm quản lý, giám sát, hỗ trợ kịp thời cho đội ngũ kinh doanh mà không phải chờ hội họp báo cáo như trước đây. Công ty cũng tạo ra một ứng dụng kết nối với đối tác phân phối hay nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiết kiệm được nhiều giấy tờ và thời gian; ứng dụng trả lời thắc mắc về sản phẩm. Nhờ đó những thông tin thị trường được phản hồi nhanh cho bộ phận sản xuất, giúp cho hoạt động sản xuất và kinh doanh phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và đầu tư cho sản xuất đến năm 2020 tăng gấp 5 lần hiện nay, Công ty cổ phần Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal đã xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Duhal, cho biết công ty đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn nhằm tối ưu quy trình sản xuất. Trong 3 năm qua, công ty đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy ở Tiền Giang và Bến Tre. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2010 nên Duhal có khá nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo, triển khai và ứng dụng công nghệ trong các chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất giảm, giúp tăng trưởng liên tục. Doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng xuất khẩu chiếm 30%. Duhal là đối tác chiến lược của tập đoàn Samsung Hàn Quốc. Chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng CMCN 4.0, ông Phạm Hoàng Thái Dương đúc kết: “Mảng công nghệ thông tin với thông điệp “AI First” - Trí tuệ nhân tạo được ưu tiên số 1 - đã đặt chúng tôi phải cải tổ và xây dựng một nền tảng khác dựa trên nền tảng ERP hiện tại. Nếu làm ERP thì chúng tôi có quy trình, có công thức để làm, mọi thứ chỉ cần làm đúng theo mô tả nhưng với phần mềm thế hệ mới thì gần như không có công thức, mà chỉ có một ý nghĩa đơn giản là nhét được bộ não của CEO và các chuyên viên trong nhiều lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, chuyên môn…) vào một chiếc máy tính và cho nó tự vận hành. Sự vận hành cũng không phải theo chu trình định sẵn mà phải theo sự phản ứng tự nhiên dựa trên nguồn dữ liệu mang tính chính xác tương đối. Nếu hệ thống chạy tốt, DN sẽ thành công. Nếu đứng yên, DN sẽ bị loại khỏi sân chơi!”.
Tại Việt Nam, những ngành được hưởng lợi là du lịch, thương mại nội địa, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng. Một số ngành có thể bị tác động tiêu cực, cần có kế hoạch tái cơ cấu phù hợp, đặc biệt tại một số nhóm ngành như năng lượng, điện - điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may.  
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao: Hỗ trợ doanh nghiệp “hấp thụ” công nghệ
Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường còn tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây; nhanh chóng tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thâm dụng lao động phổ thông. 
Với TPHCM, cần chuyển đổi cơ cấu lao động trong các KCN-KCX theo hướng giảm thâm dụng lao động phổ thông, tăng thâm dụng công nghệ và thâm dụng lao động có kỹ năng chuyên môn cao bằng chính sách, cơ chế ưu đãi áp dụng cho các DN và cho các công ty phát triển hạ tầng KCN; có cơ chế ràng buộc các DN FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa (nội địa hóa), có cơ chế đặc biệt để khuyến khích DN trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa. TP cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng Internet); phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần này tạo ra những thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau. Riêng Việt Nam nhờ lợi thế về địa kinh tế (điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á) và nguồn lực lao động tương đối trẻ và dồi dào nên hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam; và chiến lược Trung Quốc + 1 của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, tác động của CMCN 4.0 có thể sẽ làm thay đổi lợi thế lao động giá rẻ cũng như lợi thế địa kinh tế do đưa ngành công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần với thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu và triển khai.   

Tin cùng chuyên mục