Cung ứng lương thực thực phẩm: Sẵn sàng vào giai đoạn phục hồi

Sau thời gian dài bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tới nay các doanh nghiệp chủ lực về sản xuất, phân phối lương thực thực phẩm trên địa bàn TPHCM đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi trong các tháng tới, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. 
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẵn sàng nâng công suất khi được cho phép
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẵn sàng nâng công suất khi được cho phép

Tăng tốc 

Theo đánh giá của Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp thành viên của FFA cơ bản đã hoàn thành được trách nhiệm với xã hội khi cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho người dân và cùng nhau duy trì không tăng giá bán theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, chia sẻ khó khăn cùng người dân, góp phần cùng thành phố chống dịch hiệu quả. Ở thời điểm hiện tại, khi TPHCM đang bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất thì các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm cũng chuẩn bị tâm thế sống trong an toàn với dịch bệnh. 

Theo ông Lưu Huỳnh, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Meizan CLV, khi xác định thành phố sống chung với dịch thì vẫn sẽ có những rủi ro nhất định nên Meizan sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương cũng như Ban quản lý Khu công nghiệp để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất. 

Trên thực tế, kể từ khi TPHCM cho phép mở lại nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới, đến nay hầu hết các doanh nghiệp chủ lực của FFA đã vào tâm thế sẵn sàng đi vào sản xuất ngay. Trong đó, nhóm sản phẩm ăn liền như bún, mì phở… có thể đáp ứng năng lực sản xuất đến 70-80%; ở các nhóm chế biến rau củ quả, sữa, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm… có thể đáp ứng công suất lên 100%. “Chúng tôi tin rằng sẽ tiến nhanh, làm việc tối đa công suất cho phép để phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất trong các tháng còn lại của năm”, một vị lãnh đạo FFA cho biết.

Cùng với doanh nghiệp sản xuất, nhiều đơn vị phân phối hiện đại cũng đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho mùa kinh doanh cuối năm. Chẳng hạn Saigon Co.op cho biết, đã làm việc với các nhà cung cấp để dự trữ số lượng lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá. Trong mọi tình huống, nhà bán lẻ này đều khẳng định, nguồn hàng sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định từ 3-6 tháng. Ngoài lương thực thiết yếu, Saigon Co.op còn chuẩn bị số lượng lớn rau củ quả thông qua làm việc chặt chẽ với các hợp tác xã, vùng trồng tại các tỉnh, thành phố Đông - Tây Nam bộ. 

Cần trợ lực từ chính sách

Dù khẳng định đã sẵn sàng nâng công suất tối đa sản xuất, song các doanh nghiệp cho biết, do thiếu lao động, không mua được nguyên liệu sản xuất bởi thủ tục hải quan và vận chuyển ách tắc nên trong giai đoạn này, họ phải ưu tiên trả nợ những đơn hàng cũ, đồng thời theo dõi diễn biến dịch để có kế hoạch ứng phó kịp thời. 

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn được cho phép tăng giờ làm để nâng công suất đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng.  

Trên phương diện vĩ mô, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Lý Kim Chi cho biết, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và chính quyền thành phố cần tiếp tục mạnh dạn đưa chính sách dài hơi và giữ vững lập trường tiến tới bình thường mới. Cụ thể là khẩn trương ban hành hướng dẫn tạm thời “Thích ứng, linh hoạt với Covid” phù hợp với tính chất đặc thù của TPHCM. Trong đó, không áp dụng phong tỏa theo diện rộng, quy định rõ quy trình khi có F0 để xử lý (cơ quan nào sẽ thực hiện nhiệm vụ gì, trong thời gian bao lâu để khoanh vùng nhanh chóng, tổ chức xét nghiệm theo quy mô nhỏ nhất, lực lượng còn lại vẫn tiếp tục làm việc, tránh xét nghiệm diện rộng gây lãng phí cho doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp do phải dừng để xét nghiệm); cho phép doanh nghiệp tự chủ động và tự chịu trách nhiệm về xây dựng và triển khai các phương án sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Nhà nước thực hiện hậu kiểm, để doanh nghiệp nhanh chóng sớm có thể sản xuất và phục hồi sản xuất. 

Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, từ giờ đến tết, họ còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ giá nguyên vật liệu tăng cho tới thiếu nhân công. Vì thế, ngay trong giai đoạn đầu mở cửa, cần có những gói hỗ trợ “tiền tươi thóc thật” trực tiếp như giảm, miễn các loại thuế VAT, TNDN, tiền thuê đất, thay vì gia hạn đến cuối năm, hay mở rộng thêm đối tượng giảm 10% tiền điện…, để giúp doanh nghiệp mau chóng vực dậy. 

Một vấn đề khác cũng quan trọng, theo các doanh nghiệp, từ khi dịch bùng phát đến nay, họ đang phải gồng mình gánh chi phí test Covid-19 nên rất cần cho các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, cũng như đưa kit xét nghiệm vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá. Theo các doanh nghiệp, nếu chính sách đồng bộ, nhất quán thì việc phục hồi trở lại và tăng tốc trong những tháng tới của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục