Cùng người lao động thi đua yêu nước

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước. 
Công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn sản xuất xe đạp, xe tập đi phục vụ nội địa và xuất khẩu
Công nhân Công ty Nhựa Chợ Lớn sản xuất xe đạp, xe tập đi phục vụ nội địa và xuất khẩu
Từ đó đến nay, trải qua gần 70 năm, các phong trào thi đua tại các đơn vị, ban ngành, mà nhất là tại các doanh nghiệp (DN) trực tiếp sản xuất đã giúp tạo ra nhiều sáng kiến hay phục vụ người dân và xã hội.
Hữu ích, thiết thực
Nếu như hơn 1 năm trước, các hộ dân sống dọc con rạch Văn Thánh (phường 21, quận Bình Thạnh, TPHCM) cứ thoải mái xả nước thải, vệ sinh xuống thẳng kênh rạch thì sau khi công trình “Xóa nhà vệ sinh có ống thải trực tiếp ra kênh rạch” do UBND phường 21 thực hiện, tình hình vệ sinh môi trường nơi đây đã khá sạch sẽ. Bà Trương Thị Anh (60 tuổi) cười vui vẻ: “Nhờ các cô chú ở phường hỗ trợ mà gia đình tôi có nơi tắm giặt, vệ sinh sạch sẽ thế này. Bà Anh là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ chi phí lắp đặt ống thải vệ sinh, bà cũng tranh thủ sửa lại nhà vệ sinh cho thoáng mát. 
Nhớ lại những ngày đầu xuống vận động bà con thực hiện công trình, bà Dương Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường 21, bảo “khó vô cùng”. Bởi đa phần người dân sống tại khu vực này thuộc diện khó khăn, thời gian đi làm cũng thất thường. Có hộ, cán bộ phường phải xuống nhà 7 lần, thậm chí có hộ đến 20 lần, mới gặp mặt để trao đổi, thuyết phục. Thế nhưng, nhờ kiên trì vận động người dân không kể ngày hay đêm mà đến nay hơn 200 hộ gia đình đã có hệ thống vệ sinh mới. Với suy nghĩ, chăm lo, làm được việc gì tốt cho dân, cho xã hội thì phải cố gắng. “Mọi việc chỉ cần cố gắng và hợp lòng dân là được”, ông Đặng Tấn Hải, Chủ tịch UBND phường 21, chia sẻ. Nhờ đó, công trình của phường 21 đến nay đã đi gần đến đích.
Tại TPHCM, nhiều phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo đã được các cấp hội phụ nữ thực hiện. Có nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế như: mô hình ngành nghề, liên kết, tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hỗ trợ vay vốn thông qua nhóm… Qua đó, nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh, cũng như hỗ trợ nhau khi có khó khăn. Đến xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) hỏi về các tổ xe nhang, hầu như ai cũng biết. Đây là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM triển khai nhằm giúp phụ nữ nông thôn có một cái nghề, vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Từ thực tế hoạt động, các mô hình này đã dần khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, có khả năng thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông thôn mới. Đồng thời còn hỗ trợ dạy nghề, vay vốn tín dụng, tạo việc làm cho chị em phụ nữ. Với nhiều chị em phụ nữ nông thôn, phong trào thi đua sản xuất giỏi chính là điểm tựa để giúp họ thoát nghèo. 
Niềm tự hào thương hiệu Việt
Tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại nhựa Chợ Lớn, phong trào thi đua yêu nước được DN phát động ngay từ đầu mỗi năm. Nội dung thi đua cụ thể như tạo ra các sản phẩm, mẫu mã mới, sáng kiến tiết kiệm… Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Tổng Giám đốc, cho biết tinh thần, khát vọng vươn lên và phát triển bền vững được chuyển tải, thổi bùng tới từng người lao động. 
Tạo điều kiện cho người lao động gắn bó với DN và hăng hái thi đua lao động sản xuất, công ty xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, các phân xưởng được tổ chức khép kín, có máy móc chuyên dùng hiện đại như robot hàn khung sắt tự động, máy ăn điện, máy phay CNC… Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của gần 300 công nhân lao động luôn được DN chăm lo đầy đủ. Theo ông Võ Văn Đức Bảy, trong môi trường đó, người lao động có hứng khởi sáng tạo nhiều đồ chơi mang tính giáo dục, tương tác cho trẻ em. Hiện nay, hàng tháng, các nhóm kỹ thuật, chế tạo khuôn mẫu liên tục cho ra 12 - 14 mẫu sản phẩm mới. Nhờ đó, lượng mặt hàng trên thị trường của công ty không ngừng tăng lên, hiện nay có tới 1.500 mặt hàng phục vụ trẻ em. “Những người lao động có sáng kiến, đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, DN thưởng nóng, tuyên dương trước tập thể và ngay lập tức tăng lương. Cách ghi nhận và khen thưởng thiết thực như vậy nên ai cũng phấn khởi, kích thích được tinh thần làm việc của anh chị em”, ông Võ Văn Đức Bảy cho biết.
Hoạt động trong lĩnh vực gắn liền với sức khỏe của con người, Tập đoàn Sanofi cũng xây dựng DN trên một nền tảng nhân bản, nhằm tạo điều kiện cho tất cả người lao động thi đua làm việc đạt năng suất, hiệu quả. Bà Huỳnh Thụy Mai Phương, Giám đốc nhân sự - Khu vực Đông Dương của Tập đoàn Sanofi, chia sẻ: Hơn 1.500 người lao động làm việc tại các nhà máy và văn phòng của Sanofi Việt Nam được đối xử bình đẳng, chăm lo mọi mặt. Nữ công nhân, người lao động mang thai từ tháng thứ 7 trở đi đã được giảm 1 giờ làm việc. Con của người lao động được tặng bảo hiểm sức khỏe và được trợ cấp tiền học hàng tháng. Để có đội ngũ lao động chất lượng, riêng trong năm 2016, DN chi 5,6 tỷ đồng đào tạo tay nghề cho hơn 620 người, trong đó 21 người được đào tạo ở nước ngoài. Bằng các chính sách chăm lo, tạo điều kiện môi trường làm việc tốt, người lao động đã cùng nỗ lực đóng góp cho thành công của DN, đưa Sanofi dẫn đầu trong danh mục dược phẩm kê toa, không kê toa và vaccine; đoạt giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt do Bộ Y tế trao tặng trong cuộc vận động “Con đường thuốc Việt” và “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục