Cùng làm cuộc sống tốt đẹp hơn

Hội đồng nhân dân TPHCM vừa thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như Vành đai 3, cải tạo rạch Xuyên Tâm… Đây là tín hiệu vui bởi TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ.

Do đó, việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới theo hướng hiện đại, bền vững hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội là điều tất yếu. Người dân hiểu và rất sẵn sàng chia sẻ điều này vì một xã hội thịnh vượng chung.

Ngược lại, rất hiểu sự hy sinh của người dân khi phải rời bỏ ngôi nhà, mảnh vườn đã gắn bó cả đời để nhường đất cho các dự án, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định thực hiện việc đền bù theo giá thị trường, đảm bảo người dân di dời có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành trung tuần tháng 6-2022 vừa qua cũng đã nhắc lại chủ trương này
Thế nhưng, trên thực tế, chi phí đền bù cho người dân phải di dời ở nhiều địa phương, nhiều dự án thường không đáp ứng được mục tiêu “tạo dựng cho người dân một nơi ở mới tốt hơn” mà Nhà nước đặt mục tiêu và nhân dân kỳ vọng. 
Báo cáo từ quá trình thực thi nhiều dự án đầu tư xây dựng cho thấy, mức giá đền bù nhà, đất cho người dân phải di dời có nơi chỉ bằng khoảng 60%-70% so với giá thị trường, cá biệt có nơi chỉ khoảng 50%. Tại sao có sự chênh lệch lớn như vậy? Đã có nhiều lời giải thích từ ngành chức năng như từ khi xây dựng giá đền bù tới khi thực sự triển khai mất 1-2 năm, lúc đó đã lạc hậu; do nhiều giao dịch bất động sản khai thấp hơn giá giao dịch thực tế nên khi tham khảo để xây dựng giá đền bù không tìm được con số chính xác; do “vướng” quy định về khung giá đất (Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề nghị bỏ khung giá đất)…
Hiện nhiều địa phương, bộ, ngành chức năng đang tìm giải pháp khắc phục bất cập này. Hy vọng sẽ sớm có lời giải bởi sự hy sinh của người dân không phải bắt đầu từ khi dự án được triển khai mà trước đó, khi bản đồ quy hoạch xây dựng được công bố, người dân “nằm” trong khu quy hoạch đã rất thiệt thòi. 
Theo Luật Xây dựng 2014, dù dự án chưa có nhà đầu tư, thậm chí chưa được địa phương đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng người dân có nhà, đất nằm trong khu quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội… sẽ không được công nhận đất thổ cư cũng như không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm nhà; hoặc khu đất đã có đất thổ cư thì cũng chỉ được xây, sửa nhà tạm với cam kết sẽ tháo dỡ và không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Thậm chí, một số dự án hạ tầng thường “bị treo” rất lâu, có khi đến hàng mấy chục năm. Người dân trong các khu quy hoạch đó vì thế rơi vào tình huống ở không được mà bán nhà, đất để đi nơi khác cũng rất khó hoặc phải chịu bán với rất giá rẻ.
Không để người dân nào bị bỏ lại trong quá trình phát triển của đất nước. Đó là một chủ trương hợp lòng dân. Tuy nhiên, muốn thực thi được chủ trương đầy nhân văn này, các địa phương cũng như các bộ, ngành chức năng cần xem xét “thấu tình, đạt lý” hơn trong việc đền bù cho người dân phải di dời.
Bên cạnh việc đền bù giá trị nhà, đất theo giá thị trường đúng nghĩa, rất cần có thêm các khoản hỗ trợ về di dời nhà, chuyển chỗ làm, chỗ học, đào tạo nghề… Bởi như đã phân tích ở trên, “nằm” trong khu quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội là người dân đã chịu nhiều thiệt thòi trong một thời gian rất dài.  

Tin cùng chuyên mục