Cùng giãn cách xã hội

Người dân TPHCM đã cùng cả nước đi qua tuần lễ đầu trong 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19. Theo diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ở giai đoạn này, cách ly xã hội được xem là biện pháp có tính quyết định thành công nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Dịch Covid- 19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Cho tới nay, dịch bệnh đã có ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người bị nhiễm bệnh đã trên 1,2 triệu và số người tử vong đã hơn 70.000. Nguyên nhân dẫn đến nhiều nước bị “vỡ trận” là do chủ quan trong ứng phó, đã không kịp thời thực hiện cách ly xã hội khi dịch có dấu hiệu gia tăng.

Tại nhiều quốc gia, số người mắc bệnh từ 100 lên 1.000 chỉ trong khoảng 7 ngày và sau đó lây lan nhanh theo cấp số nhân. Do đó, giai đoạn từ 100 lên 1.000 bệnh nhân và trong khoảng 2 tuần được xem là “giai đoạn vàng” để chống dịch. Kiềm chế được tốc độ lây lan trong giai đoạn này là cơ hội khoanh vùng, dập dịch.

Ở Việt Nam, nhờ quyết sách đúng đắn, nhờ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và người dân, chúng ta đã có thắng lợi bước đầu. Để đẩy lùi dịch bệnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa.

Ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng Covid-19. Đồng chí khẳng định: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng nhân lên gấp bội… Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hàng ngày của đồng bào ta… Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Thực hiện lời kêu gọi này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện “cách ly xã hội” trong vòng 15 ngày. Bản chất của chỉ thị này là giãn cách xã hội, không “ngăn sông cấm chợ” và đòi hỏi người dân tự giác thực hiện. Trong thời gian này, người dân chủ yếu ở nhà để bảo vệ chính bản thân mình và gia đình. Thực hiện giãn cách xã hội là để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đồng thời giúp cho việc nhận diện nguồn lây để có biện pháp kịp thời dập dịch.

Tính đến chiều 6-4, nước ta có 245 bệnh nhân mắc Covid- 19, trong đó có 95 bệnh nhân khỏi bệnh và nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong đó, TPHCM có 53 bệnh nhân nhiễm bệnh và 22 bệnh nhân khỏi bệnh.

Việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng tại TPHCM nhìn chung là nghiêm túc, nhịp sống có chậm hơn nhưng bình yên và an lành; ở nhà nhưng nhiều người vẫn làm việc, học sinh, sinh viên vẫn học online; không đi mua sắm nhiều nhưng cuộc sống vẫn đảm bảo; những trường hợp khó khăn vẫn có trợ giúp xã hội… Còn ở tuyến đầu, nhiều thầy thuốc đã đem hết sức mình cứu chữa bệnh nhân, các chiến sĩ quân đội, công an, các lực lượng được huy động và tình nguyện vẫn túc trực làm nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị sản xuất, dịch vụ thiết yếu vừa tiếp tục công việc và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả…

 Chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của cơ quan, doanh nghiệp, người dân đã không để một ai bị bệnh mà không được cứu chữa, không để một người nghèo khó nào bị thiếu ăn… cùng những gói hỗ trợ an sinh xã hội rất tích cực. Sự ưu việt của chế độ, sự tuyệt vời của người dân Việt Nam đã một lần nữa được chứng minh qua trận chống “giặc” Covid này.

Tại TPHCM, trong quá trình phòng, chống dịch bệnh, Thành ủy, UBND TPHCM đã sát sao trong việc chỉ đạo, điều hành, có chủ trương ứng phó kịp thời và tăng cường kiểm tra xử lý nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như sớm ban hành chính sách xã hội ngay trong mùa dịch. Qua MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan truyền thông, các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào, trong đó có người cao tuổi và các em thiếu niên nhi đồng… đã thể hiện sự chung vai sát cánh, dành sự đóng góp đầy tình nghĩa cho những người ở tuyến đầu chống dịch, cho những hoàn cảnh khó khăn…

Sự cộng đồng trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn có tính bước ngoặt cho chúng ta niềm tin vào sự thành công trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, theo mệnh lệnh của trái tim yêu nước, yêu thương con người, chúng ta sẽ cùng hành động và nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh. Dịch bệnh Covid- 19 rồi sẽ qua đi nhưng ý chí và hành động nhất tề của toàn dân cùng đồng lòng “chống dịch như chống giặc” sẽ mãi là hình ảnh đẹp, đậm chất kiên cường và nhân văn của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục